Lập hàng rào kỹ thuật
Khi ký Hiệp định TPP thì thuế sẽ không còn là vấn đề nữa vì các nước sẽ chấp nhận giảm thuế về 0% cho tất cả các mặt hàng. Và lúc đó Việt Nam sẽ phải phát triển giống như các nước khi tham gia các hiệp định, đó là phải xây dựng các hàng rào kỹ thuật. Trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Với chăn nuôi thì hội nhập trong bối cảnh rào cản kỹ thuật chưa có hoặc hoặc còn kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài và chăn nuôi trong nước không bảo vệ được.
TS Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) và nhiều chuyên gia kinh tế, nông nghiệp khác cũng đồng trình là việc gấp rút soạn thảo và đưa ra được các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ các sản phẩm chăn nuôi khi gia nhập TPP là 1 trong 3 giải pháp lớn mà Nhà nước cần thực hiện. Khi hội nhập TPP, chúng ta đồng ý nhập hàng hóa từ những nước khác với thuế suất 0%, tuy nhiên nhập cái gì và nhập như thế nào là do chúng ta quyết định. Ví dụ như mặt hàng gia súc, gia cầm, chúng ta đồng ý cho các nước như Mỹ, Australia, Thái Lan… bán hàng vào, tuy nhiên phải nhập nguyên con, không cho nhập riêng phần thăn, đùi, móng hay ba chỉ, nội tạng… Đấy là hàng rào kỹ thuật mà chúng ta cần xây dựng cụ thể, bởi vì hiện nay trên thực tế có những nước chỉ cần bán một sản phẩm trên con gia súc người ta đã có lãi rất lớn, thậm chí dư tiền để tiêu hủy những phần còn lại của gia súc (chân, cánh, đầu, móng, nội tạng…) vì nhiều nước không ăn những bộ phận đó. Thế nhưng nếu chúng ta không đưa hàng rào kỹ thuật quản lý tốt thì chính những phần còn lại của con gia súc đó thay vì tiêu hủy ở nước bạn, họ lại nhập sang nước ta.
Theo tìm hiểu của NTNN, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, khi nuôi gia cầm họ chỉ cắt phần ức để chế biến và bán cho nước ngoài, chỉ với phần ức này, họ đã thu đủ lãi cho cả một con gà, những phần còn lại như đùi, cánh, chân được nhập sang Việt Nam với giá bán rất thấp.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, song song với việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, nhà nước phải xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn để những nước có nguy cơ dịch bệnh dứt khoát không cho bán hàng vào Việt Nam. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần nghiên cứu đưa ra hạn ngạch để ấn định số lượng hàng hóa nhập vào nước ta mỗi năm.
Cần có chính sách “lách” luật
Mặc dù lộ trình đàm phán TPP đã đi vào giai đoạn nước rút và thách thức từ việc áp dụng những quy định mới của luật chơi đã nhìn thấy ở phía trước, song điều đáng lo ngại hiện nay đối với ngành chăn nuôi trong nước chính là “khoảng trống thông tin”. Ngoài một số ít doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn nhanh nhạy nắm bắt tín hiệu từ thị trường, đa số người chăn nuôi vừa và nhỏ dường như chưa có kiến thức để chuẩn bị hành trang ứng phó. Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi chỉ nghe nói qua báo, đài về vấn đề hội nhập, tham gia TPP nhưng chưa hiểu cụ thể ảnh hưởng của làn sóng này ra sao. Trong khi đó, chưa có cơ quan nào đứng ra thông tin hay hỗ trợ cho người chăn nuôi tiếp cận các giải pháp để thích ứng trong cơ chế mới”.
Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng thẳng thắn nhìn nhận, không chỉ riêng người chăn nuôi, ngay cả chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng chưa quan tâm đến vấn đề hội nhập.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2015, các bộ ban ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin đầy đủ tới các doanh nghiệp chăn nuôi, các nông hộ nhỏ về việc gia nhập TPP, những khó khăn thách thức cũng như các giải pháp để các đối tượng này có phương án chủ động trong bối cảnh hội nhập sâu.
Đình Thắng
Theo: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã