Chủ yếu là bệnh đốm trắng
Ngày 10.7, tại diễn dàn Khoa học công nghệ về nuôi tôm sú hữu cơ vùng ĐBSCL, Chi cục Thú y vùng VII (Cục Thú y) đã thông tin về tình hình bệnh và thiệt hại trên tôm sú 6 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, tình hình bệnh và thiệt hại trên tôm sú đang xảy ra tại 157 xã thuộc 25 huyện của 5 tỉnh nuôi tôm trọng điểm trong vùng, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh, với tổng diện tích tôm sú bị bệnh và thiệt hại là gần 12.410ha (cao hơn gần 26% so với cùng kỳ năm 2017).
Trong đó, Kiên Giang có diện tích tôm sú bị bệnh và thiệt hại nhiều nhất với hơn 7.172ha, chủ yếu xảy ra trên tôm sú nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa.
Tôm sú bị bệnh đốm trắng. Ảnh: T.L
Tôm sú bị bệnh và thiệt hại chủ yếu ở giai đoạn 30-80 ngày tuổi sau thả nuôi và tập trung nhiều ở tháng 4, 5. Tổng diện tích thiệt hại do bệnh là hơn 2.290ha, trong đó bệnh đốm trắng chiếm tỉ lệ cao nhất với diện tích hơn 929ha. Ngoài ra, một phần diện tích tôm nuôi thiệt hại do môi trường với hơn 7.087ha và phần lớn diện tích chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, với hơn 3.031ha.
Theo đại diện Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng, hiện nay nông dân nuôi tôm gặp không ít khó khăn do diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi cho sự phát triển của tôm sú, các khu vực nuôi tôm sú quảng canh cải tiến rộng lớn không duy trì được sản lượng. Ngoài ra, dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều, thường xuyên trên tất cả các loại hình nuôi, đặc biệt là bệnh đốm trắng.
Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm sú nuôi quảng canh. Ảnh: C.L
PGS - TS Trang Sĩ Trung (Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang) khuyến cáo: Chủ trang trại muốn tránh thiệt hại cần điều trị đúng bệnh cho tôm nuôi. Để phòng trị bệnh hoại tử gan tụy (gọi tắt là AHPND), biện pháp hàng đầu là dùng dầu của các loài thực vật như Lavandula, Pinus sylvestris, Viola odorata, Cosos nucifera... trộn với thức ăn. Hỗn hợp dầu thực vật này đã được kiểm chứng cho thấy kiểm soát tốt bệnh AHPND. Bên cạnh đó, để phòng và trị bệnh cho tôm nuôi hiệu quả, cần thay thế thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, bổ sung các chất khoáng và prebiotic trong thức ăn của thủy sản nuôi… |
Cần chủ động phòng chống trong mùa hạn
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Cái Bát (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), thông tin: Hiện tại ở hợp tác xã có 96ha nuôi tôm theo hình thức thâm canh và hơn 340ha nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Đối với tôm nuôi thâm canh, các bệnh thường gặp nhất là đốm trắng, gan tụy, còn đối với hình thức nuôi quảng canh thì tôm thường bị bệnh ốp thân, đỏ thân.
“Các bệnh đối với tôm sú nuôi quảng canh thường là do thiếu thức ăn và môi trường nước không đảm bảo. Để khắc phục tình trạng này, trước tiên chúng tôi lựa chọn con giống tốt, đồng thời trong quá trình nuôi thường xuyên chú ý bổ sung thức ăn tự nhiên cho con tôm. Ngoài ra, chú trọng cải tạo nguồn nước nuôi tốt để tạo cho con tôm sú môi trường sống ổn định...” - anh Lâm chia sẻ.
Thời gian qua, Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lập kế hoạch cụ thể thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14.2016 và các văn bản của Bộ NNPTNT.
Theo đề nghị của các địa phương cũng như doanh nghiệp, trước mắt tập trung vào các cơ sở sản xuất tôm giống và hướng dẫn xây dựng chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu của Tập đoàn Việt Úc và Công ty Huy Long An. Hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu tổ chức xây dựng vùng đệm có nguy cơ dịch bệnh thấp để tạo điều kiện xây dựng thành công chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh của Tập đoàn Việt Úc...
Tổng cục Thủy sản nhận định, diện tích nuôi và sản lượng tôm sú nước ta hiện nay đang chiếm tỷ lệ rất cao trên thế giới (30-38%). Đây là loài có giá trị thương mại cao, có thị trường ổn định và khả năng cạnh tranh lớn. Cũng theo Tổng cục Thủy sản, trong năm nay các địa phương tiếp tục duy trì diện tích nuôi hiện có, tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, phấn đấu đạt 720.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú là 271.500 tấn và sản lượng tôm thẻ là 448.500 tấn.
Theo: Chúc Ly/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã