Học tập đạo đức HCM

Lấy dân làm gốc trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 28/08/2017 21:10
'Cách mạng tháng Tám và bài học lấy dân làm gốc' đang được phát huy trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Bài học ấy càng trở nên quan trọng, góp phần giúp Nghệ An đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng NTM.

Lấy sự đồng thuận làm nền tảng

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 và Cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền 1945, rồi 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ cứu nước, người dân Nghệ An luôn nêu cao tinh thần cách mạng để dành độc lập, bảo vệ đất nước. Nhiều vùng quê trở thành địa chỉ đỏ cách mạng. Những năm qua, phong trào xây dựng NTM tiếp tục được người dân phát huy với truyền thống cách mạng, cống hiến nhiều công sức, tiền của làm cho quê hương thêm giàu đẹp hơn.

Một góc nông thôn mới xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Sách nguyễn
Một góc nông thôn mới xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Sách nguyễn

Vượt lên những khó khăn thách thức, xã Nghi Phong (Nghi Lộc), vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đã có những đổi thay mạnh mẽ. Ngọn nguồn của thành quả đó là “ý Đảng, lòng dân”. Ông Bạch Quang Vinh - Xóm trưởng xóm Phong Anh tự hào: “Khi “ý Đảng, lòng dân” đã thuận thì mọi việc đều thành công. Nhiều hộ trong xóm đã tự nguyện hiến 1.200 m2 đất vườn và 1.700 m2 đất nông nghiệp để mở 1,1 km đường giao thông. 

Các hộ còn đóng góp kinh phí để đổ bê tông mặt đường. Điển hình, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tịnh tự nguyện đóng góp 25 triệu đồng; hộ anh Nguyễn Hữu Thanh đóng góp 13 triệu đồng... Giờ đây, các tuyến đường ngang, dọc của xóm đã được đổ bê tông sạch đẹp, chấm dứt tình trạng đường chật chội, khó đi”. Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Với sự đồng lòng của người dân, Nghi Phong đang phấn đấu cán đích NTM vào cuối năm 2017…”.

Còn tại xã Mỹ Thành (Yên Thành), vùng đất gắn liền di tích lịch sử Tràng Kè với phong trào Xô Viết trong những năm 1930 - 1931, nhân dân trong xã đoàn kết, thống nhất thực hiện nhiều công trình quan trọng. Từ năm 2011 đến nay, hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhân dân đóng góp tích cực làm đổi thay quê hương.

Cụ Nguyễn Văn Cử, xóm 15, nay đã hơn 90 tuổi, phấn khởi cho biết: “Khi xóm cần đất để mở đường, tôi hiến ngay mấy chục m2 đất vườn và vận động con cháu, hàng xóm hiến đất để xã, xóm mở đường rộng, đẹp hơn”. Lời nói của ông Cử có uy tín, hiệu triệu được con cháu, xóm làng nghe và làm theo, bởi vậy những con đường trong xóm giờ đã được mở rộng, đổ bê tông sạch đẹp.

'Đoàn viên thanh niên nạo vét kênh mương, xây dựng NTM.  Ảnh: P.V'
Đoàn viên thanh niên nạo vét kênh mương, xây dựng NTM. Ảnh: P.V


Ông Nguyễn Văn Thạch - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Phát huy tinh thần cách mạng, nhiều người dân trong xã đã xung phong hiến đất mở đường. Ngoài cụ Cử, trong xã còn có nhiều cá nhân điển hình như: Ông Nguyễn Đình Bát (xóm 5), Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Thuấn (xóm 15)… họ là những người gương mẫu đi trước, làm gương cho mọi người cùng làm theo. Nhờ vậy, sau 6 năm triển khai xây dựng NTM, người dân Mỹ Thành đã đóng góp được hơn 134 tỷ đồng, chiếm 56,9% tổng nguồn vốn mà địa phương huy động được đầu tư vào xây dựng các tiêu chí NTM…”.

Phong trào hiến đất, góp tiền, công sức vào xây dựng NTM của người dân được lan tỏa ở hầu hết các địa phương. Sự đồng thuận của người dân còn góp phần xây dựng nhiều nhà văn hóa, những công trình dân sinh quan trọng, mà ở đó, chính họ là chủ thể và là người hưởng lợi.

“Cán bộ nào phong trào đó”

Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, từng nhấn mạnh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc; cán bộ thế nào, phong trào thế ấy. Nơi nào các cấp uỷ Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể tích cực quan tâm động viên đảng viên, nhân dân tâm huyết, gương mẫu xây dựng NTM thì nơi đó đạt được kết quả cao”.

Thực tế đó được minh chứng trong 6 năm qua, khi thực hiện xây dựng NTM. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cấp ủy, ban cán sự cơ sở đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, nhiều cấp ủy Đảng chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để bàn bạc, thảo luận và xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cấp xã được kiện toàn.

Sự phối hợp giữa Đảng, chính quyền, MTTQ và các thành viên trong chỉ đạo thực hiện các nội dung xây dựng NTM nhịp nhàng. Mỗi tổ chức hội, đoàn thể gắn với phong trào, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Từ đó tạo được làn sóng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. 

Sau 6 năm triển khai xây dựng NTM, Nghệ An đã huy động gần 25.000 tỷ đồng đầu tư các công trình. Trong đó: vốn trực tiếp thực hiện chương trình 3,6 nghìn tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 8.000 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 2.000 tỷ đồng... Người dân đóng góp bằng tiền gần 5.500 tỷ đồng; hiến đất mở đường được hơn 5,8 triệu m2 đất; người dân còn đóng góp gần 5 triệu ngày công xây dựng NTM.

Nhiều làng xã đã tạo nên được những kỳ tích mới trong xây dựng NTM. Đó là thành quả từ sức mạnh đoàn kết, đồng lòng từ cán bộ và nhân dân các địa phương. Khi trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Nông dân chính là chủ thể trong quá trình xây dựng NTM. Họ đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, với ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. Từ phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, người dân đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi thu nhập cao, từ đó góp công, góp của xây dựng NTM. Những đóng góp đó được các cấp, ngành tôn vinh, ghi nhận…”.

Đến nay toàn tỉnh đã có 152 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu trong năm 2017 có thêm 20 xã về đích NTM; đã có 2 địa phương cấp huyện đạt huyện NTM: thành phố Vinh và thị xã Thái Hòa, phấn đấu hết năm 2017 có thêm huyện Nghĩa Đàn đạt chuẩn huyện NTM.

Xuân Hoàng/ Báo Nghệ An

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập227
  • Hôm nay78,832
  • Tháng hiện tại783,945
  • Tổng lượt truy cập90,847,338
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây