Cánh đồng ớt ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang thời kỳ ra hoa, kết trái. Năm ngoái, người dân nơi đây trồng 35ha ớt. Được mùa, ớt trĩu quả, nhưng chờ mãi, thi thoảng mới có người đến mua với giá thấp chỉ từ 3.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg. Giá giảm sâu, nhiều người không muốn thu hoạch để ớt chín rụng đầy đồng.
Năm nay, diện tích trồng ớt tăng lên 42ha. Chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên đồng ý cho doanh nghiệp đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt với Hợp tác xã Nông nghiệp Lệ Bắc. Doanh nghiệp còn cam kết tăng giá thu mua nếu thị trường tăng giá.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Duy Xuyên cho rằng, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa” làm nhiều nông dân lao đao.
“Chúng tôi đã liên kết với doanh nghiệp ở Hải Dương với hợp tác xã, người nông dân sản xuất ớt, bí, dưa… Các bên sẽ ký hợp đồng bên tiêu thụ, doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm và giá sẽ được ấn định trước. Nếu giá thị trường lên thì bên mua tăng giá khi giá giảm thì doanh nghiệp vẫn mua theo giá sàn đó” – ông Năm nói.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có nhiều mặt hàng nông sản nổi tiếng nhưng nông dân vẫn thấp thỏm nỗi lo đầu ra. Tại làng rau Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, các loại rau ở đây chỉ tiêu thụ quanh quẩn ở các chợ đầu mối, mua bán nhỏ lẻ…
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, cùng với việc xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn, có xác nhận của cơ quan quản lý và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, tỉnh Quảng Nam đang tích cực ký kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cơ chế của tỉnh Quảng Nam là vừa đồng thời hỗ trợ cho người nông dân để người nông dân trực tiếp làm ra các sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, nếu chỉ trông chờ vào người nông dân thì cũng khó tạo ra lượng hàng hóa đủ cung ứng cho thị trường, đảm bảo về mặt số lượng, chất lượng, chủng loại.
“Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp vào trên cơ sở vừa đầu tư, vừa liên kết với người dân để tận dụng tất cả về đất đai, nguồn lao động ở tại địa phương để cùng nhau phát triển, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và nông dân” ông Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, hiện mỗi ngày có khoảng 20 đến 30 tấn nông sản của tỉnh Quảng Nam tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng. Chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Hòa Cường… Cùng hệ thống siêu thị, cửa hàng ở Đà Nẵng là nơi tiêu thụ mạnh các mặt hàng nông sản của bà con nông dân tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, 2 địa phương đã và đang tăng cường liên kết, phối hợp với nhau trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
“Định hướng trong 5 năm tới, vùng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn ở Quảng Nam được xây dựng và Đà Nẵng sẽ là thị trường tiêu thụ. Nếu đáp ứng được như vậy thì vừa giải quyết công ăn việc làm, tạo điều kiện cho bà con Quảng Nam, người Đà Nẵng có được sản phẩm sạch, kết nối 2 bên cùng có lợi” – ông Tám nói./.
Hoài Nam- Tuyết Lê/VOV - Miền Trung
Nguồn: vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã