Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 4 tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và TP. Cần Thơ, cũng là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Theo ghi nhận từ số liệu tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội của hội đồng vùng, trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh đều đạt khá, Kiên Giang dẫn đầu về tăng trưởng với 7,25% TP.Cần Thơ tăng 6,13%, An Giang tăng 5,29% và Cà Mau tăng gần 5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh của 4 địa phương đạt trên 16.000 tỷ đồng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.745 triệu USD; có 1.971 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 12.850 tỷ đồng, đồng thời cả 4 địa phương đã thu hút thêm 93 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 48.037 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đa số các đại biểu của 4 tỉnh đồng tình với những nỗ lực phát triển kinh tế- xã hội nói chung trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước nhiều thách thức, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của vùng chậm lại và biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp như hiện nay.
Nhiều đại biểu còn trăn trở tuy vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng thời gian qua mức độ liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau trong phát triển giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long chưa đạt kết quả như mong muốn, làm ảnh hưởng đến việc phát huy thế mạnh của từng địa phương, của vùng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương…
Đại diện các tỉnh, thành phố trong vùng đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết của vùng và các kết luận chỉ đạo của Chính phủ có liên quan đến Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng kinh tế trọng điểm nói riêng.
Hội nghị thảo luận và thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan đến vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Thống nhất thông qua Quyết định ban hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận những dữ liệu, thông tin liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến phương thức thực hiện liên kết vùng. Trong đó, có việc liên kết giữa từng tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm với nhau và với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm phát huy tốt nhất việc đầu tư phát triển kinh tế của cả vùng.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Trung Hiếu đề xuất ý kiến với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế của vùng như xem xét điều chỉnh bổ sung và triển khai theo thứ tự ưu tiên đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan đến vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đề xuất kiến nghị việc thí điểm phát triển liên kết vùng, xây dựng quy chế phối hợp sao cho phát huy được hiệu quả của từng vùng, xác định mối quan hệ giữa vùng trọng điểm với các tiểu vùng sinh thái, làm sao vừa phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng từng tỉnh, từng ngành, lĩnh vực, nhưng vừa phải tránh trùng lắp gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, lần I nhiệm kỳ 2017 - 2018 đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của các tỉnh, đồng thời thay mặt Hội đồng vùng tiếp thu các ý kiến thảo luận, đóng góp của đại diện các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long để hoàn thiện các nội dung văn bản, sau đó sẽ gửi lại cho các tỉnh, thành phố xem xét, bổ sung cho ý kiến và thống nhất để báo cáo với các cơ quan Trung ương và Chính phủ thời gian tới, góp phần đưa vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh, làm trụ đỡ phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là đối trọng trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã