Ðể có thể hóa giải những bất hợp lý nói trên, cần có những tác động tích cực hơn nữa từ mối liên kết bốn nhà, trong đó liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là mối liên kết hợp tác thường xuyên và trực tiếp. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ở An Giang thực hiện bởi Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (Công ty CP BVTVAG) đã bắt đầu ló rạng lời giải có thể hóa giải được nhiều khúc mắc nói trên.
Mô hình trên do Công ty CP BVTVAG thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh An Giang luôn khích lệ, ủng hộ và phát huy tác dụng của mô hình bằng cách liên kết những cánh đồng lúa mẫu lớn, nhằm nâng cao giá trị lúa hàng hóa trong ngành hàng lúa gạo.
Mô hình bao gồm các hoạt động xây dựng những nhà máy hiện đại chế biến lúa gạo hàng hóa công suất lớn; hợp tác liên kết với nông dân hình thành những vùng nguyên liệu bao gồm diện tích lúa của các nông hộ tham gia thực hiện "cánh đồng lúa mẫu lớn", nhằm bảo đảm đủ nguyên liệu lúa thuần giống cho nhà máy hoạt động; thành lập đội ngũ cơ hữu gồm những kỹ sư trẻ "cùng nông dân ra đồng" vừa làm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo thời vụ, vừa chỉ dẫn nông dân mua vật tư (giống, phân bón, thuốc trừ sâu) đúng chất lượng, đúng giá ở các đại lý, vừa giúp nông hộ thực hiện hợp đồng với công ty bao tiêu sản phẩm.
Hiệu quả thực tế của những hoạt động liên kết nói trên đã thể hiện ở các nông hộ vùng nguyên liệu lúa được sản xuất theo hợp đồng với công ty. Nông dân không phải lo mua phải vật tư rởm, không lo phơi lúa gặp mưa, không lo bán lúa bị hớ, không bị tư thương ép giá. Có dịp tiếp xúc trực tiếp với hàng chục nông dân quanh nhà máy chế biến lúa gạo Vĩnh Bình và Thoại Sơn, mọi người đều khẳng định với chúng tôi điều đó, và chưa có ai "xù hợp đồng" mặc dù giá lúa bên ngoài cao hơn.
Tuy mới bước đầu triển khai dự án nhưng công ty đã xây dựng được bốn nhà máy cùng phương thức hoạt động bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, bằng cách xây dựng cánh đồng lúa mẫu lớn trên tổng diện tích khoảng sáu vạn ha lúa. Công ty đang mở rộng dự án lên tám nhà máy trong vài năm tới, cùng diện tích vùng nguyên liệu tăng lên hàng trăm nghìn ha lúa.
Nhiều nông dân cho chúng tôi biết: Từ nhiều năm qua họ đã biết cách dùng dàn kéo sạ lúa theo hàng (mẫu của IIRRI do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long mang từ Phi-li-pin về cải tiến và nghiên cứu phát triển).
Ở vùng nguyên liệu lúa của Công ty CP BVTVAG, đội ngũ mua buôn lúa đã dùng tàu thuyền của mình đi chở thuê cho công ty. Họ cho biết thu nhập ổn định, không còn phải "đau đầu" mua bán thóc lúa. Tuy nhiên đội ngũ mua buôn lúa có vai trò quan trọng trong lưu thông lúa hàng hóa. Họ luồn lách đến vùng sâu, vùng xa mua lúa, thông tin với bà con nông dân về giống và kỹ thuật sản xuất lúa. Theo chúng tôi, các cấp có thẩm quyền cần tập hợp họ, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của họ; tập huấn khuyến nông, đồng thời giáo dục họ nhằm giảm bớt tiêu cực.
Bằng hoạt động thực tế của mình, Công ty CP BVTVAG đã bắt đầu phác họa một bức tranh hiện thực nền sản xuất lúa hiện đại phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bức tranh này như một điểm sáng phát ra đúng vào lúc nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo số một trên thế giới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã