Bài 2: Giải pháp phát huy thế mạnh các địa phương trong vùng - Nhiều năm qua, các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) Vùng kinh tế trọng điểm miền trung (KTTÐMT) tuy đã tạo thêm được năng lực sản xuất mới nhưng vẫn chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nguồn thu ngân sách đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho các địa phương còn thấp. Vì vậy, cần một thể chế có tính đột phá, thúc đẩy liên kết, khắc phục tình trạng "mạnh ai người nấy làm", thiếu đầu tàu, để từ đó thật sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong tổng thể chung phát triển Vùng KTTÐMT.
|
Vẫn còn nhiều vướng mắc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, mặc dù có nhiều lợi thế, thuận lợi phát triển, tuy nhiên các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của tỉnh và Trung ương trong việc thu hút đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án FDI, cũng như tình hình triển khai các dự án được cấp phép trong thời gian qua quá chậm so với tiến độ đăng ký. Nguyên nhân chính là cơ chế chính sách phát triển KKT, KCN còn một số bất cập, vướng mắc, bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) trong quá trình tổ chức thực hiện. Chính sách ưu đãi đầu tư chung về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng chưa ổn định, nhất quán, đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Ðồng thời, việc xây dựng và thực hiện chương trình quảng bá và xúc tiến đầu tư quốc gia đối với các KKT ven biển triển khai chưa bài bản, thiếu tính kết nối với các cụm công nghiệp, dẫn đến chưa thu hút được nhiều DN hỗ trợ cho ngành công nghiệp mũi nhọn. Mặt khác, mức độ và tính chất liên kết giữa các DN, khả năng kết nối, lan tỏa trong Vùng KTTÐMT còn hạn chế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ... đã làm giảm hiệu quả phát triển KKT, KCN. Cùng chung nhận định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Ðịnh xác định KKT Nhơn Hội là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cho nên tỉnh dồn hết tâm huyết và nguồn lực để xây dựng KKT này. Ðến nay, đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư vào đây, kể cả đầu tư vào công nghiệp, du lịch, phát triển đô thị. Ðây là dấu hiệu rất khả quan. Tuy nhiên, ngoài việc liên kết phát triển các KKT trong Vùng KTTÐMT chưa rõ ràng, ngành nghề gì cũng có thể đầu tư vào KKT, trong khi thiếu sự định hướng thế mạnh cho từng khu để hỗ trợ lẫn nhau, thì tình trạng các địa phương tự thu hút đầu tư, cạnh tranh nhau, thu hút đầu tư bằng mọi giá vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, mô hình quản lý KKT hiện nay chưa hoàn chỉnh. Cụ thể, KKT Nhơn Hội với quy mô 14 nghìn ha, có cả khu dân cư, đô thị, dịch vụ, công nghiệp… giống như một địa phương thu nhỏ. UBND tỉnh đã giao cho ban quản lý KKT tỉnh, nhưng tổ chức này không phải là một đơn vị chính quyền, cũng không phải cơ quan chuyên môn cho nên việc quản lý còn nhiều bất cập. "Sắp tới, những bất cập này cần được giải quyết rốt ráo để mô hình Ban Quản lý KKT có thể đáp ứng tối ưu yêu cầu phát triển ngày càng cao, chuyên nghiệp của các KKT, KCN trên địa bàn. Mặt khác, nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho các KKT còn thiếu, đầu tư dàn trải và manh mún, đầu tư chỗ này thì thiếu chỗ kia. Cho nên, hạ tầng KKT Nhơn Hội hơn 10 năm vẫn chưa hoàn chỉnh, rất cần một cơ chế thống nhất để thu hút nguồn lực đầu tư cho các KKT trọng điểm" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh. Trao đổi về những khó khăn trong phát triển Vùng KTTÐMT, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam Nguyễn Quang Thử bộc bạch, nhiều ý kiến, đề xuất đặt ra trong các hội nghị, diễn đàn… đã "đánh trúng" những điểm nghẽn trong liên kết phát triển vùng, nhưng việc triển khai thực hiện còn khá nhạt nhòa. Ðến nay, sự liên kết chủ yếu mới được triển khai trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Hơn nữa, trình độ công nghệ của các dự án đầu tư vào Vùng KTTÐMT còn thấp, ngành nghề thu hút đầu tư còn trùng lặp, chính sách thu hút đầu tư ở các địa phương trong vùng chưa đồng bộ, thiếu "đầu tàu" trong hoạch định chiến lược phát triển của vùng, sự gắn kết và hợp tác, hỗ trợ giữa các DN trong vùng chưa được coi trọng đúng mức... Do đó, hiệu quả, chất lượng phát triển các KKT, KCN trong vùng chưa cao. Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế). Cùng liên kết để phát triển Nằm ngay trục giao thông chính bắc - nam, cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Ðông - Tây là một trong những "lợi thế tĩnh" của vùng ven biển miền trung, thế nhưng những lý do nêu trên đã kìm hãm sự phát triển chung của cả vùng. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Ðông Hải nhận định, đã tròn 10 năm thành lập Vùng KTTÐMT, các địa phương trong vùng cần cùng nhau nhìn lại mô hình liên kết phát triển, nhất là trong lĩnh vực phát triển các KKT, KCN để xem xét, đề xuất một mô hình liên kết có tính tiên tiến, sáng tạo và bền vững, khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, làm cho Vùng KTTÐMT thật sự phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình. Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Huỳnh Ðức Thơ cho rằng, các địa phương cần chủ động bàn bạc, phối hợp để xây dựng một cơ chế chung cho cả vùng, bắt buộc đầu tư quy hoạch, phân công luồng thu hút đầu tư. Trước mắt phải nghiên cứu tổng thể các mối quan hệ phát triển giữa các địa phương trong vùng, xác định mối liên kết khả dĩ trong từng ngành, lĩnh vực, giữa một địa phương với cả vùng, giữa một địa phương với các địa phương khác để làm cơ sở triển khai cụ thể trên thực tế. Từng địa phương chủ động trong việc nghiên cứu, phát hiện, hợp tác xây dựng các mối liên kết phát triển trên cơ sở sử dụng cao nhất nguồn lực địa phương kết hợp với tác động của liên kết vùng. Ưu tiên tập trung phát triển những ngành - lĩnh vực, khu vực có lợi thế khác biệt sẵn có tại các địa phương, xem đây là định hướng chung của cả vùng. Do đó, cần nghiên cứu xác định ở mỗi địa phương có ít nhất một mục tiêu ưu tiên chung của cả vùng và đương nhiên, ngành, lĩnh vực này chính là lợi thế khác biệt của địa phương đó, cần được ưu tiên. Với Ðà Nẵng, thành phố luôn nỗ lực hơn nữa để xây dựng một đô thị hiện đại văn minh, với mục tiêu đặt ra là trở thành thành phố sự kiện của khu vực và quốc tế, do vậy hướng đi sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, thu hút chất xám và nguồn lực lớn. Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), mỗi địa phương hay mỗi KCN, KKT cần có hướng đi riêng. Với Dung Quất, đó sẽ làm khu vực sản xuất hàng công nghiệp nặng, là lọc hóa dầu và các sản phẩm phụ trợ khác. Việc phân nhánh các hướng đầu tư chính là tạo nên sự bổ trợ, tương tác và liên kết tốt nhất trong quá trình phát triển của các KKT, KCN trong vùng KTTÐMT. Tương tự, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục rà soát tổng thể các quy hoạch với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất việc thành lập mới các KKT, KCN để tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các KKT, KCN sẵn có. Ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với chương trình tái cơ cấu kinh tế, đầu tư của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Bên cạnh tăng cường liên kết, tìm hướng đi trọng tâm, việc lồng ghép các chương trình phát triển tại các địa phương cũng rất quan trọng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, cũng như các KKT, KCN. Ngoài số vốn bố trí trong dự toán được giao đầu năm, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ có mục tiêu, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ODA... Ðồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN, phát triển thị trường nhằm thu hút thêm các dự án đầu tư, trong đó ưu tiên dự án quy mô lớn và các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư phù hợp thị trường tiêu thụ trong nước, nhất là xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng để phát triển hơn nữa các KKT, KCN trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: xây dựng "chính sách vùng, quy hoạch vùng" và sớm thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Tận dụng lợi thế là khu vực trung chuyển, giao thông thuận lợi... Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng, Chính phủ cần có một cơ quan điều phối để định hướng động lực, thế mạnh của từng địa phương; phân công rõ vai trò, vị trí của các KKT, KCN theo hướng bổ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, đồng thời cần có cơ chế chính sách đồng bộ và ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư. Còn theo TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, miền trung cần một tư duy mới trong phát triển kinh tế. Trước hết, lãnh đạo các địa phương cần thống nhất và xây dựng định hướng quy hoạch cả Vùng KTTÐMT; xóa bỏ tình trạng quy hoạch theo từng tỉnh, thiếu tính liên kết như hiện nay. Trong quy hoạch sẽ có sự phân chia các xu hướng đầu tư phát triển cho từng tỉnh, từng cụm... một cách hợp lý để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương trong tổng thể phát triển chung của cả vùng cũng như của cả nước. * Bài 1: Nhiều tiềm năng, nhưng chưa phát huy được hiệu quả ------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-8-2018. |
Bài, ảnh: HẬU TÙNG và NGUYÊN HÙNG/http://www.nhandan.com.vn/ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã