Ông Trần Đức Tuấn
Các nhà khoa học nhận định, ĐBSCL là vùng SX nông nghiệp trọng điểm của cả nước, chiếm 56% sản lượng lúa và xuất khẩu gạo chiếm 90% cả nước. Bên cạnh đó, đây là vùng nuôi thủy sản rộng lớn, chiếm 70% diện tích, đạt 40% sản lượng và xuất khẩu thủy sản chiếm 60% cả nước.
Tại hội thảo, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học mới được công bố, giới thiệu danh sách sản phẩm, công nghệ có khả năng thương mại hóa và chuyển giao; Trưng bày những thành tựu mới gồm các chế phẩm sinh học, sản phẩm vi sinh ứng dụng có hiệu quả trong SX nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, đạt tiêu chuẩn tại nhiều địa phương trong vùng. Một giải pháp nhận được nhiều chú ý tại đây là hệ thống cảm biến nông nghiệp của Viện Cơ học và tin học ứng dụng.
“Hệ thống có ưu điểm theo dõi, cập nhật liên tục các yếu tố về môi trường, độ ẩm, chất dinh dưỡng trong đất; giám sát từ xa; điều khiển tự động; sử dụng năng lượng xanh...", đại diện Viện là ông Trần Đức Tuấn giới thiệu.
Định hướng chiến lược phát triển SX theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, an toàn của các tỉnh, thành ĐBSCL không chỉ nhắm vào cây lúa, cây công nghiệp, rau quả mà còn đặc biệt chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm tăng giá trị sản phẩm. Những năm qua, nhiều DN đã đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ SX nông nghiệp. Trong đó, việc khai thác phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ là một xu hướng mới bảo vệ cây trồng.
Giới thiệu các mô hình SX nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ
Theo ước tính lượng phân hữu cơ truyền thống chỉ có thể đáp ứng dưới 20% nhu cầu phân hữu cơ hiện nay. Hơn 80% nhu cầu còn lại chỉ có thể được cung cấp từ các nguồn phân hữu cơ chế biến (phân hữu cơ công nghiệp). Phân hữu cơ chế biến có ưu điểm là hàm lượng dinh dưỡng khá cân đối, kiểm soát được các chỉ tiêu dinh dưỡng lý, hóa tính và có thể tính toán được mức cung cấp cho đất và cây trồng.
Ông Đào Trọng Hiển, Viện Công nghệ môi trường: "Một số sản phẩm ứng dụng công nghệ nano có nhiều triển vọng trong nông nghiệp có thể thương mại tốt như phụ gia thức ăn chăn nuôi nano vi lượng, công nghệ bọc hạt giống, công nghệ xử dụng sản phẩm nano để xử lý nhanh vi tảo gây hiện tượng “nở hoa” trong thủy vực nước ngọt, phân bón lá nano". |