Năm 2015, tốc độ tăng GDP của ngành nông nghiệp chỉ đạt 2,41%, là mức tăng thấp nhất trong vòng năm năm qua. Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp phản ánh những điểm yếu căn bản của ngành này, đó là khả năng cạnh tranh kém.
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp là sự giảm sút về lượng và giá trị của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó giảm mạnh nhất là thủy sản, cà phê do giá cả thị trường lao dốc. Tình trạng đó cho thấy mức độ lệ thuộc lớn của nông nghiệp Việt Nam vào thị trường thế giới, đồng thời cuộc cạnh tranh giảm giá để duy trì thị trường xuất khẩu đã tiệm cận ngưỡng chịu đựng của người nông dân, buộc họ phải phá vườn cây hoặc bỏ trống ao nuôi, trong khi doanh nghiệp phải chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu, nhất là thủy sản, để làm hàng xuất khẩu. Trong năm qua, kim ngạch nhập khẩu thủy sản lên đến 1,05 tỉ đô la Mỹ.
Điểm nghịch lý của ngành nông nghiệp là một mặt chúng ta lệ thuộc quá lớn vào thị trường nước ngoài, nhưng mặt khác Việt Nam cũng là một thị trường tiêu thụ không nhỏ và đang để cho nông sản nhập khẩu lấn lướt, ngay cả với những sản phẩm phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam như bắp, đậu nành, rau quả... trong đó, chỉ riêng hai mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu; và rau quả năm ngoái đã có kim ngạch nhập khẩu gần 4 tỉ đô la Mỹ, bằng xấp xỉ 1,4 lần so với kim ngạch xuất khẩu gạo.
Những con số nêu trên là minh chứng rõ ràng năng lực cạnh tranh rất yếu của ngành nông nghiệp mà cụ thể là giá thành nông sản, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam quá cao, đồng thời chất lượng sản phẩm, nhất là liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng là một trở ngại lớn.
Hệ quả tất yếu của khả năng cạnh tranh kém là lĩnh vực nông nghiệp không thu hút được đầu tư của khối doanh nghiệp - một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện hiệu quả của ngành này. Theo số liệu thống kê, bình quân trong năm năm qua số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như vốn đầu tư của họ vào ngành này chỉ chiếm chưa tới 1%.
Hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn đang được bảo hộ bằng hạn ngạch, hàng rào thuế quan. Theo thời gian, các chính sách bảo hộ này sẽ được gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Nếu nông nghiệp không thể cải thiện để nâng cao hiệu quả, thì những ngành lâu nay vẫn sống được bằng bảo hộ như mía đường, chăn nuôi... sẽ gặp thảm họa.
Để cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp, trước mắt có ba vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết: Thứ nhất, tập trung cho ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch. Thứ hai, giải quyết một cách căn bản vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Và sau cùng là quản lý chặt quy hoạch để chủ động kiểm soát nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
Tuy nông nghiệp hiện chỉ chiếm 20% GDP của Việt Nam, nhưng đây lại là nguồn sống chính của hơn 60% dân số đang sống ở khu vực nông thôn. Nếu ngành nông nghiệp không thể cạnh tranh thì hậu quả về kinh tế và xã hội thật khó lường.
http://www.thesaigontimes.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025
Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025