Học tập đạo đức HCM

Linh hoạt quỹ đất lúa, chú trọng thị trường nội địa

Thứ hai - 27/10/2014 03:39
Nếu đất làm lúa kém hiệu quả mà làm cây khác hiệu quả hơn thì nên cho chuyển đổi, nhưng phải đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang diễn ra. Bài toán gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo vẫn đang trong vòng luẩn quẩn. Chuyện về đề xuất xin cơ chế cho chuyển đổi mục đích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ở Bình Thuận đang là một điểm nóng trong ngành nông nghiệp.

So với quy định pháp luật hiện hành, việc nông dân tự ý chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa sang làm cây trồng khác là sai. Nhưng nhiều nơi, vẫn có tình trạng bà con chủ động “vượt đèn đỏ” để mong tìm nguồn thu nhập khá hơn trồng lúa. Việc làm này không phù hợp với chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa của cả nước để đảm bảo an ninh lương thực theo chủ trương của Chính phủ.

Song, trong quá trình đất nước đang nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, mấu chốt không phải chỉ là chủ trương chuyển đổi hay không chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều quan trọng, đó phải là một chiến lược dài hạn, một tầm nhìn xuất phát từ thực tiễn để cùng mảnh đất ấy, người nông dân ấy, nhưng thu nhập thực của nông dân tăng lên, trong đó có trường hợp trồng lúa.

Cần linh hoạt quỹ đất trồng lúa

Liên minh Nông nghiệp vừa có báo cáo nghiên cứu về thị trường lúa gạo Việt Nam, trong đó có dẫn một nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho thấy, ngay cả với kịch bản xấu nhất về tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch (không có thay đổi vẫn là 10%), biến đổi khí hậu trên thực tế lớn hơn so với dự đoán, năng suất bình quân thấp (chỉ đạt 5,8 tấn/ha), tiêu dùng gạo không giảm nhanh (vẫn ở mức 120kg/người/năm vào năm 2030), thì với diện tích lúa 3,0 triệu  ha Việt Nam vẫn đảm bảo ANLT trong nước và có dư thừa cho xuất khẩu.

Trước xu hướng gia tăng cạnh tranh xuất khẩu gạo trên thế giới, Liên minh này cho rằng, nếu không xuất khẩu được gạo, Việt Nam sẽ bị rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung trong nước.

Theo phân tích, với cấu trúc thị trường lúa gạo như hiện tại, theo đó giá thu mua xuất khẩu sẽ quyết định giá thu mua lúa của nông dân trong nước, thì giá lúa trong những năm tới sẽ tiếp tục bị sụt giảm. Khi đó áp lực với chính sách mua dự trữ lúa gạo của Chính phủ (hoặc bất cứ một hình thức hỗ trợ giảm giá nào) để giúp đỡ người nông dân sẽ gia tăng, đòi hỏi sự can thiệp ngày càng lớn hơn, dẫn tới những méo mó trên thị trường (một ví dụ điển hình là trường hợp Thái Lan gần đây).

Vì lẽ đó, Liên minh Nông nghiệp ủng hộ quan điểm linh hoạt quĩ đất trồng lúa. Thay vì qui định cứng 3,8 triệu ha quĩ đất trồng lúa, Chính phủ nên phân quĩ này thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất, đất chuyên dụng trồng lúa do có lợi thể cạnh tranh hơn hẳn các loại cây trồng hàng năm khác; Nhóm thứ hai, đất có khả năng dễ dàng chuyển đổi sang các loại cây trồng hàng năm khác trong trường hợp trồng lúa không cạnh tranh bằng, và ngược lại. Việc quyết định trồng loại cây hàng năm gì là lựa chọn riêng của mỗi hộ nông dân theo nhu cầu của thị trường.

Với hai nhóm đất này, Liên minh Nông nghiệp đề nghị có quy định để khu vực đất trồng có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về trồng lúa sẽ được giữ chỉ được trồng lúa. Với khu vực việc trồng các loại cây hàng năm khác có thể mang lại giá trị cạnh tranh với việc trồng lúa thì cho phép các hộ nông dân tự quyết định. Nếu có sự chuyển đổi, có chính sách hỗ trợ trong một thời gian.

Chính sách này, cùng với nhiều chính sách khác về thuế, thị trường..., Liên minh Nông nghiệp tin rằng sẽ “giúp người nông dân Việt Nam có thêm quyền chọn, qua đó sẽ có thêm quyền lực trong việc thiết lập giá lúa gạo với các công ty thu mua. Đây sẽ là chính sách giúp Việt Nam có thể điều tiết được nguồn cung trồng lúa một cách linh hoạt theo biến động của nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường thế giới”.

Chú trọng thị trường nội địa

TS Phan Chánh Dưỡng, Giảng viên kinh tế chương trình Fulbright, cho rằng: Việc chuyển đổi cây trồng, không khéo sẽ lại vào vòng luẩn quẩn. Bởi vì, nếu trồng lúa thấy không ổn, bảo nhau chạy sang nuôi tôm, nuôi cá. Nhưng khi nuôi tôm thất bát, lại chạy sang trồng cây khác, con khác, rồi loanh quanh, có khi lại tìm về trồng lúa. Như thế, vừa hại đất, tốn sức, tốn công mà không bền vững.

Theo ông Dưỡng, nên chăng, tìm cách gia tăng giá trị cho chính cây lúa bằng việc tìm ra giống tốt, và tăng cường việc chế biến sau thu hoạch, từ lúa gạo thành các sản phẩm khác như bột, bánh.... để vừa tăng giá trị thu nhập, vừa tạo thêm được việc làm. Đồng thời, phải có nghiên cứu cụ thể để tìm hiểu thị trường đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Còn ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng hiện chuyện trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai rất mù mịt. Nhưng nếu bình tĩnh sẽ thấy, qua màn sương này có những ánh sáng rất lý tưởng. Đơn cử, hiện giờ người dân đã rất sợ chất độc hóa học có trong sản phẩm nông nghiệp. Đó là trong 90 triệu dân Việt Nam hiện nay, có khoảng 30 triệu dân là khá giả. Họ cần ăn ngon, ăn sang, ăn sản phẩm đắt tiền. Thị trường nội địa rất lớn chưa thực sự được chú trọng.

Đồng quan điểm này, trong báo cáo của Liên minh Nông nghiệp có đề xuất, “hướng về thị trường nội địa, vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 30-40% sản lượng lúa gạo của ĐBSCL. Xây dựng thị trường, với các thương hiệu gạo khác nhau, phục vụ chính người Việt Nam”.

Đồng thời, cần thay đổi cấu trúc quản lý hành chính phù hợp với phương hướng dịch chuyển của cấu trúc thị trường, trong đó doanh nghiệp tư nhân và người nông dân sản xuất quy mô lớn sẽ chiếm ưu thế trong tương lai.

Không những thế, nhìn việc đây đó đang hô hào chuyển đổi cây trồng, ông Nguyễn Minh Nhị thẳng thắn cảnh báo: “Không khéo, đây là cái chết nữa, từ cái chết cũ chuyển qua cái chết mới. Chết cũ là làm lúa thì không giàu được, giờ chuyển qua cái chết mới là trồng cây mới thì không biết cây gì, bán cho ai”.

Cho nên, quan điểm của ông Nhị là, “Nhà nước phải nói cho rõ, phải sòng phẳng, minh bạch với dân. Bảo người dân trồng cây gì thì phải đảm bảo lợi ích cho họ. Ví dụ, nói trồng ngô thì cũng phải có tính toán cụ thể ở đâu trồng được, đầu tư hết bao nhiêu, lãi bao nhiêu, bán cho ai...?”./.

Xuân Thân/VOV.VN
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập316
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại826,688
  • Tổng lượt truy cập90,890,081
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây