Học tập đạo đức HCM

Mấu chốt để “tam nông” bứt phá

Thứ bảy - 13/04/2013 22:00
Bài 1: CHỦ THỂ CỦA NÔNG THÔN MỚI Phát triển "tam nông", xây dựng nông thôn mới đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở ĐBSCL trong bối cảnh nhiều thách thức và hội nhập kinh tế quốc tế. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn - nông dân (ND) và cán bộ công chức (CBCC) cấp xã - là yêu cầu cấp bách, có tầm chiến lược lâu dài. Thúc đẩy "tam nông" ở ĐBSCL không có con đường nào khác là tập trung nâng cao trình độ, năng lực của chủ thể nông thôn - ND; nâng cao trình độ đội ngũ CBCC cấp xã - những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân nhằm hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, xây dựng con người nông thôn mới.

Thế hệ ND tiên tiến

 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nông dân huyện Phong Điền, TP Cần Thơ làm giàu từ vườn cây ăn trái. Trong ảnh: Thu hoạch vú sữa ở xã Giai Xuân. Ảnh: T. LONG 

Ông Đinh Văn Chiêu - một lão nông tri điền, ND điển hình tiên tiến TP Cần Thơ làm khoa học ở ấp Kinh B, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. Ông là tác giả của giống lúa VT1, VT2, VT3 (VT- Vĩnh Thạnh) được nhiều nhà khoa học đánh giá cao về khả năng thích nghi với đồng đất, có nhiều triển vọng phát triển. Ông Chiêu kể: "Gia đình tôi có 1,5 ha đất. Trước đây, tôi thường sử dụng lúa mùa nổi - giống Nàng Tây nên năng suất thấp. Năm 1990, được sự khuyến khích của chính quyền, tôi và nhiều ND chuyển sang làm lúa tăng vụ. Nhưng ngoài khó khăn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì việc sử dụng lúa giống tự trao đổi với những ND khác ở địa phương chất lượng không tốt, lẫn tạp nhiều nên năng suất và chất lượng lúa hàng hóa kém. Đời sống kinh tế lúc bấy giờ rất nhiều khó khăn". Năm 1996 đến năm 2000, ông Chiêu cùng nhiều ND địa phương tham dự các lớp huấn luyện về quản lý dịch hại tổng hợp, chương trình bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, chương trình khuyến nông… Nhờ vậy, ông mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật như: "3 giảm, 3 tăng", sạ thưa, sạ hàng, sử dụng giống lúa xác nhận, bón phân cân đối theo sự sinh trưởng của cây lúa, quản lý dịch hại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết… vào sản xuất. Năng suất, chất lượng lúa hàng hóa ngày càng nâng cao. Năm 2006, ông tham gia lớp ToFT về "Kỹ năng chọn giống và sản xuất lúa giống". Cùng cán bộ kỹ thuật địa phương hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ND vào sản xuất, ông Chiêu cũng bắt đầu đam mê thử nghiệm và lai chọn giống. Dù biết rõ "ND tay ngang" tham gia thử nghiệm và lai tạo giống là chuyện không đơn giản nhưng nhờ cần cù, chịu khó, ông đã thành công trong lai tạo và chọn được 3 giống thuần VT1, VT2, VT3 và phóng thích ra sản xuất. Thành quả của ông nhận được sự tin tưởng của người thân và hàng xóm… Ông Chiêu được xem là một trong những ND đại diện cho thế hệ ND tiên tiến ở ĐBSCL: bám đồng đất và làm giàu từ đồng đất!

Ông Nguyễn Minh Luân ở tổ 4, ấp Mướp Sát, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long làm giàu từ việc sản xuất lúa giống. Ông cho biết: Trước đây, trồng lúa năng suất không cao khiến đời sống kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ông luôn đau đáu nghĩ cách để có thể vượt qua hoàn cảnh, nuôi con ăn học. Từ năm 1999, sau khi tham gia các lớp khuyến nông, ông bắt tay vào sản xuất lúa giống. Năm đầu tiên, lúa rất trúng mùa nhưng do ND chưa quen sử dụng lúa giống chất lượng vào sản xuất nên lúa giống ông làm ra phải bán đại trà với lúa hàng hóa. Không bỏ cuộc, những năm tiếp theo, ông vẫn quyết tâm với cách làm của mình. Tiếng lành đồn xa, nhiều ND tìm đến ông Luân đặt hàng mua lúa giống. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, từ sản xuất lúa giống, ông thu nhập trên 210 triệu đồng chỉ với khoảng 1ha đất ruộng. Thu nhập này chẳng những góp phần đưa cuộc sống gia đình ông khá giả mà còn nuôi 2 người con đang học đại học.

Ở ĐBSCL xuất hiện ngày càng nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Phan Văn Lòng ở ấp Đông Mỹ, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ với mô hình cá thác lác cườm, diện tích ao 2.000m2, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Tạ Đức Hiền ở ấp B1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh với mô hình VACR và buôn bán nhỏ với thu nhập khoảng 154 triệu đồng/năm... Hay như mô hình trồng khổ qua (1,6 ha) của ông La Văn Đến ở xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho thu nhập gần 320 triệu đồng/năm. Bà Nguyễn Thị The ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang với mô hình trồng lúa, chăn nuôi heo, nuôi vịt gà kết hợp nuôi cá thu nhập hàng tỉ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm với diện tích 1,5 ha trồng xoài xiêm, trồng màu (cà chua, ớt) kết hợp chăn nuôi bò sinh sản lợi nhuận trên 620 triệu đồng…

Nghị quyết 26 - NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tam nông” xác định: ND là chủ thể của quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các địa phương không ngừng đẩy mạnh các hoạt động nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho ND. Các hoạt động này có những bước đi căn cơ và phù hợp với thực tiễn. Đã xuất hiện nhiều điển hình ND tiên tiến, mô hình sản xuất trong nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao… từng bước khẳng định vai trò nòng cốt của ND trong kiến thiết, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, những ND tiên tiến còn là những tấm gương xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực trong mọi lĩnh vực hoạt động từ thiện ở nông thôn. Theo Hội ND tỉnh An Giang, năm 2010 - 2012, tổng thu nhập của những ND giỏi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20.000 tỉ đồng. Những ND này đã hướng dẫn, giúp đỡ được trên 50.000 lượt người vươn lên thoát nghèo, đóng góp trên 450.000 ngày công, đóng góp trên 170 tỉ đồng xây dựng những công trình phúc lợi xã hội ở nông thôn. Tiêu biểu như: ông Trần Văn Trất (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) đóng góp 165 triệu đồng, ông Dương Văn Phước (xã Phú Long, huyện Long Phú) đóng góp 100 triệu đồng… Tại TP Cần Thơ, từ năm 2008 đến nay, ND đóng góp khoảng 52,5 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đóng góp trên 128.000 ngày công lao động, sửa chữa và làm mới khoảng 779.000km đường giao thông nông thôn, 175 hộ hiến gần 100.000m2 đất xây dựng công trình giao thông, nhà thông tin ấp…

 

Coi trọng hiệu quả, đi vào chiều sâu

Ngoài nỗ lực của chính ND còn có sự quan tâm của các cấp chính quyền thay đổi tư duy của người ND trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Đinh Văn Chiêu, ấp Kinh B, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, đúc kết: "ND giờ không còn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như trước nữa! Từ lúc xuống giống đến thu hoạch, chỉ chịu khó đi thăm đồng… Mọi chuyện, muốn gì chỉ cần "A lô!"! Tất cả đều có dịch vụ!...". Không phải nói như vậy ND bây giờ khỏe hơn ngày xưa. Thay vì cần mẫn bên ruộng đồng, vườn cây, ao cá…, ND bây giờ phải chịu khó lên mạng internet, chịu khó lui tới các viện, trường, xem sách, đọc báo… để không ngừng nâng cao trình độ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có như vậy mới biết cây trồng, vật nuôi… cần gì, bệnh gì để có cách điều trị hiệu quả, góp phần hạ giá thành, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo thị trường… Ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, cho rằng: Có sự chuyển đổi khá lớn về nhận thức của ND trong sản xuất nông nghiệp một phần nhờ nỗ lực của đội ngũ cán bộ nông nghiệp vận động, khuyến khích người ND đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học. Đồng thời, nhờ đội ngũ cán bộ khoa học ngành nông nghiệp trong chọn, tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đồng đất nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng cao.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố nhiều năm qua giảm nhanh do quá trình đô thị hóa. Nhưng ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN& PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Vòng quay đất trồng lúa của thành phố đã đạt đến 2,53 lần. Kết quả này là nhờ việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng giống lúa chất lượng cao,… nâng cao chất lượng và giá trị của hạt lúa, góp phần nâng cao thu nhập bình quân của ND lên trên 115 triệu đồng/ha (từ 3 vụ lúa); lợi nhuận đạt bình quân trên 58 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ vậy, trên địa bàn thành phố còn có nhiều mô hình sản xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả như: 2 lúa - 1 cá, 1 lúa - 1 tôm, 2 lúa - 1 màu, mô hình đa canh, chuyên màu, làm vườn, nuôi thủy sản…

Tỉnh Vĩnh Long cũng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, như: VAC, thâm canh lúa, kinh tế vườn, trồng màu, chăn nuôi… Bằng việc chú trọng hiệu quả kinh tế, các mô hình này phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh, trên nhiều lĩnh vực cuốn hút hàng ngàn ND đăng ký thi đua và giúp hàng ngàn hộ vượt lên nghèo khó, ổn định cuộc sống. Tại An Giang, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng ban Kinh tế, Hội ND tỉnh, cho biết: Phong trào thi đua ND sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi đến mỗi hộ dân, khơi gợi tính năng động sáng tạo của người ND. Từ phong trào, những ND giỏi, tiêu biểu xuất hiện khắp nơi trong tỉnh. Đây là lực lượng nòng cốt, là những người tiên phong trong các phong trào kiến thiết vùng nông thôn, khẳng định lợi thế nền nông nghiệp cho cả vùng. Qua đó, tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp rất lớn, giải quyết công ăn việc làm đáng kể cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn; đồng thời, góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

---------------

Bài 2: Lao động nông thôn cần có nghề, việc làm ổn định
 

Theo baocantho.com.vn

 Tags: nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập425
  • Hôm nay89,618
  • Tháng hiện tại794,731
  • Tổng lượt truy cập90,858,124
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây