Tuy nhiên, để đồng vốn đến tay người nông dân thực sự phát huy hiệu quả, vẫn có rất nhiều việc phải làm, trong đó điều quan trọng là cần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay Nghị định 41 của Chính phủ đã giúp dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực tam nông tăng gấp 2,5 lần, chiếm tỷ trọng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số quy định trong Nghị định 41 không còn phù hợp.
Trong đó, có những bất cập như người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nhưng không được tiếp cận chính sách ưu đãi; các quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm tại Nghị định 41 là 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại được thực hiện từ năm 2010, đến nay cũng không còn phù hợp với quy mô và chi phí sản xuất nông nghiệp.
Trước yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 thay thế cho Nghị định 41. Trong đó, hạn mức cho vay là thay đổi quan trọng nhất khi mức cho vay tín chấp được nâng lên 1,5-2 lần so với quy định cũ. Cụ thể, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa đối với cá nhân, hộ gia đình được nâng lên 100 triệu đồng (trước đây 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (trước đây 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây 500 triệu đồng).
Ngoài ra, có thêm 2 đối tượng được bổ sung vào nhóm được vay không cần tài sản bảo đảm. Đó là hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp được vay tới 2 tỷ đồng; liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa tới 3 tỷ đồng không cần tài sản bảo đảm.
Cũng theo Nghị định 55, các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Đây là những quy định quan trọng góp phần khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn vào khu vực tam nông theo xu hướng mới là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Một đổi mới đáng chú ý nữa là Nghị định 55 đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm năm 2010, dân số tại khu vực các đô thị trên cả nước ước khoảng gần 28 triệu người.
Trong đó, tỷ lệ người dân sinh sống tại các xã vùng đệm, vùng ven đô thị ở mức xấp xỉ 50%. Như vậy, trong thời gian triển khai Nghị định 41, cả nước đã có gần 14 triệu người dân không có cơ hội vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi tam nông vì bị coi là “thị dân”. Nay quy định này đã được cởi trói chắc chắn sẽ khiến dòng tín dụng đổ về các khu vực ven đô tăng lên mạnh mẽ. Đây cũng sẽ là chìa khóa đầu tiên để nền nông nghiệp tại các đô thị chuyển mình với các chương trình tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa.
Việc nới rộng hạn mức cho vay tín chấp đã mở ra cơ hội tháo gỡ nút thắt về tài sản đảm bảo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng để tiếp cận được vốn vay ưu đãi, người nông dân và doanh nghiệp cần chứng minh được tính khả thi trong hoạt động sản xuất.
Trong đó, hoạt động nông nghiệp phải gắn với thị trường, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Những vấn đề này đòn bẩy tín dụng không thể giúp được, mà chính ngành nông nghiệp phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu với sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và nông dân.