Ông Long cho cá ăn thêm một chút thức ăn bổ sung dinh dưỡng khi cần
Cá nuôi 1 năm nặng 21kg
Mấy năm gần đây, ông Phạm Văn Đang và ông Phạm Văn Long ở khu vực cống Cổ Tiểu (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) nuôi cá trắm đen trong đầm nước lợ rất thành công. Lợi nhuận lên tới vài tỷ đồng mỗi năm.
Khu vực cống Cổ Tiểu chỉ cách cửa sông Văn Úc chừng vài cây số. Đây là cống ngăn triều, chặn nước mặn tràn vào sông Đa Độ khi thủy triều lên. Khu vực ao đầm chạy dọc từ cửa cống đến ngã ba sông - nơi dòng Đa Độ hòa vào sông Văn Úc - là nơi nước mặn và nước ngọt hòa vào nhau. Cách đây chừng dăm bảy năm, nhiều người dân vùng này không nghĩ là có thể nuôi cá trắm đen trong nước lợ.
Sau khi tham quan mô hình nuôi cá trắm đen tại Nam Định, ông Đang quyết tâm làm theo. Ông chia sẻ, việc đưa cá trắm đen sống trong nước ngọt ra vùng lợ để nuôi là “một quyết định thay đổi cuộc đời”.
Khi đó, năm 2009, ở vùng này người ta chỉ dám thả vài con trắm đen trong ao nước ngọt, nuôi ghép với một số loại cá khác, chưa có ai nuôi cá trắm đen trong nước lợ, và càng không có ai nuôi đối tượng này với quy mô công nghiệp.
Không ngờ, cá trắm đen rất phù hợp với môi trường và thức ăn trong nước lợ, lớn nhanh như thổi. Đến nay, cá trắm đen nuôi ở vùng này đã trở nên có tiếng về chất lượng và trọng lượng “khủng”. Có con nặng đến 21kg, những con bình thường nặng 10 - 13kg, một số nhỏ hơn, đạt 6 - 7kg.
Tự ươm giống trong nước lợ
Hiện ông Đang có 23 nghìn m2 đầm, nuôi trên 1 vạn con cá trắm đen. Mỗi năm ông thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, bán ra thị trường trên 100 tấn cá. Còn ông Long thả khoảng 5 nghìn cá trắm đen trong gần 10 nghìn m2 đầm.
Các chủ đầm cho biết, hệ thống ao đầm nuôi ở đây có nguồn nước đảm bảo, lại giáp bờ sông Đa Độ nên rất thuận lợi cho việc cấp, thoát nước thường xuyên.
Họ tự ươm giống để vừa chủ động cung cấp giống cho sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng con giống phù hợp với môi trường nước lợ. Ở các cơ sở cung cấp giống cá trắm đen, người ta ươm giống trong nước ngọt.
Có khi thiếu cá giống, ông Long và ông Đang phải mua thêm giống từ các cơ sở này, đem về thả vào nước lợ thì cá dễ bị sốc hoặc sinh trưởng, phát triển không được tốt, cá thương phẩm cũng không đẹp mã như con giống được ươm ngay trong nước lợ.
Thức ăn cho cá trắm đen trong đầm hoàn toàn là don, dắt biển. Chủ đầm thu mua từ nhiều nơi về. Trắm đen rất phàm ăn, có những con ngao to lẫn vào, chúng cũng nhai vụn nhừ ra để ăn. “Thời điểm này, khi cá đã tương đối lớn, trọng lượng đạt khoảng 5kg/con, mỗi ngày tôi phải mua khoảng 12 tấn don dắt cho đàn cá này, nghĩa là một ngày riêng tiền thức ăn đã tốn hơn chục triệu đồng”, ông Đang nói.
Nói về cách xác định lượng thức ăn sao cho hợp lý, người nuôi cho hay, sau khi đổ don dắt cho cá, theo dõi xem cá ăn trong bao lâu thì hết, nếu nhanh quá thì nghĩa là thức ăn thiếu, lâu quá thì thức ăn thừa. Theo kinh nghiệm của ông Đang, đàn cá của ông cứ khoảng 4 tiếng ăn hết 10 tấn don, dắt là vừa.
Các chủ nuôi cho cá ăn một ngày một lần vào buổi chiều. Don, dắt được thả vào vùng lưới quây để dễ dàng dọn sạch thức ăn thừa.
Quây lưới để thả don, dắt cho cá ăn
Trước đây, họ cho cá ăn cám công nghiệp kèm với các loại ốc. Nếu cá ăn nhiều cám công nghiệp thì lớn nhanh nhưng chất lượng thịt không cao, khách hàng rất chê. Còn nếu khẩu phần nhiều ốc hơn cám thì cá lại phát triển chậm. Chỉ đến khi được ăn toàn don dắt biển thì cá trắm đen vừa lớn nhanh vừa đẹp mã, thịt cá rắn chắc, thơm ngon.
Chưa bao giờ lo đầu ra
Ông Long cho rằng, nuôi cá trắm đen trong nước lợ cần nhiều kinh nghiệm nên không phải ai cũng nuôi được. Cá rất nhạy cảm với môi trường nên luôn luôn phải theo dõi ao nuôi và thời tiết. Cá trắm đen có nhu cầu về ô xi cao hơn các loài cá khác nên nếu trời oi bức hoặc lặng gió thì phải chạy máy bơm, sục khắp ao ngay để tăng cung cấp ô xi cho cá. “Hôm qua, tôi chỉ chậm chạy máy sục có mấy phút thôi mà 5 con cá lăn ra chết, mất toi mấy triệu đồng”, ông Long kể.
Người nuôi cũng phải liên tục kiểm tra môi trường nước. Nếu nước bẩn, phải thay ngay. Nếu độ mặn vượt mức cân bằng, cá dễ bị sốc, phải dẫn nước ngọt vào. Khi đó phải chờ con nước, tránh lấy nước từ sông vào thời điểm thủy triều lên.
Được cái cá trắm đen khỏe hơn cá nước ngọt, khả năng kháng bệnh tốt. Tuy nhiên chúng cũng hay mắc một số bệnh như nấm vảy, nấm thối mang, trùng neo, đường ruột… Vì thế phải kiểm tra cá thường xuyên, khi cá chớm bệnh phải sử dụng thuốc ngay.
Ông Long hồ hởi: “Nhìn cá lớn nhanh rất vui. Mới tháng 2, cá chỉ 1kg, nay đã 5 - 6kg. Đến lúc thu hoạch, con cá to nặng, thịt cá “trắng như giấy pơ luya”, thơm nức nên thị trường rất chuộng. Chúng tôi có đủ xe lạnh với hệ thống sục khí để vận chuyển cá tươi đi khắp các tỉnh miền Bắc, buôn lại cho các đại lý. Ở đây cá trắm đen không có nhiều người nuôi nên hầu như cung không đủ cầu. Cũng chính vì thế, chúng tôi chưa bao giờ phải lo đầu ra hay chuyện giá cả!”.
Cá trắm đen nuôi nước lợ ở vùng này đến nay đã có tiếng, lại bán vào dịp Tết nên rất được giá. Giá bán buôn trung bình 120 - 130 nghìn đồng/kg, bán lẻ khoảng 180 nghìn đồng/kg mà khách lẻ mua ăn Tết, làm quà biếu, rồi các nhà hàng, khách sạn… đặt hàng nườm nượp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã