Tiềm năng và lợi thế
Ông Trương Công Ngàn, Trưởng ban Xây dựng NTM Quảng Ninh, cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 cơ sở SX, bảo quản, chế biến kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn với đầy đủ các nghề như xay xát gạo, mộc gia dụng, nề, SX vật liệu xây dựng, nấm ăn và nguyên liệu, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre làm thuyền, mủng, rèn, cơ khí nhỏ, sửa chữa, dệt may, thêu ren, đóng mới tàu thuyền, điêu khắc than đá…
Ngoài ra, có khoảng 23.000 lao động đang hoạt động trong các cơ sở SX ngành nghề nông thôn. Đặc biệt hiện nay toàn tỉnh có 4 làng nghề truyền thống đang hoạt động tập trung ở 2 địa phương Đông Triều và Quảng Yên (gốm sứ Vĩnh Hồng - thị trấn Mạo Khê; gốm sứ Đức Chính, đóng sửa chữa tàu thuyền Hà An, đan thuyền ngư cụ Nam Hòa).
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội thảo “Mỗi xã một sản phẩm” của Quảng Ninh thu hút nhiều khách hàng
Có thể thấy rằng dù không có nhiều làng nghề truyền thống nổi bật như các tỉnh, thành phố khác nhưng ở Quảng Ninh cũng có nhiều làng nghề đã hình thành từ lâu và có sự đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. So với các địa phương khác, làng nghề ở Quảng Ninh có sự hội tụ, du nghề và rất mới. Đây chính là yếu tố thuận lợi để đổi mới, phát triển nghề truyền thống theo hướng ứng dụng tiến bộ KHCN vào tổ chức SX, năng động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Vì vậy nhiều cơ sở SX ngành nghề được xây dựng và phát triển như Nhà máy SX gốm của Cty TNHH Quang Vinh, Cty CP Quang mỹ nghệ xuất khẩu với mức đầu tư lớn, quy trình công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hút nhiều lao động có tay nghề cao tại địa phương vào làm việc, tạo đà cho bước phát triển khu công nghệ, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh sự phát triển khá đặc biệt của hệ thống các làng nghề, với đặc điểm điều kiện tự nhiên đa dạng, có đầy đủ các vùng sinh thái đã giúp cho Quảng Ninh có đủ các sản vật, sản phẩm truyền thống từ rừng xuống biển, những đặc sản ẩm thực như gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, Cô Tô, chả mực Hạ Long, rượu mơ Yên Tử không còn là xa lạ trong tâm thức không chỉ của người dân địa phương mà hầu hết các khách du lịch khi đến với Quảng Ninh đều nghĩ đến những đặc sản ẩm thực này.
OCOP phát huy giá trị sản phẩm
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) được khởi xướng lần đầu tiên tại Thái Lan và được khởi động tại Quảng Ninh từ tháng 10/2013. Quá trình triển khai OCOP trải qua 6 bước chính: Đăng ký ý tưởng sản phẩm; Nộp kế hoạch kinh doanh; Kế hoạch kinh doanh được chọn và hoàn thiện; Triển khai kế hoạch kinh doanh; Tổ chức thi sản phẩm cấp huyện, tỉnh; Xúc tiến thương mại.
Mục tiêu của OCOP là có 160 - 180 hộ/nhóm nộp ý tưởng sản phẩm; phát triển sản xuất kinh doanh cho 40 - 60 sản phẩm truyền thống của tỉnh; có 50 - 60 cộng đồng được huấn luyện về phương pháp phát triển, nâng cấp sản phẩm...
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay, với 50% dân số Quảng Ninh sống tại vùng nông thôn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Bởi thế, nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực được tỉnh rất quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Chương trình OCOP là một trong những nội dung trong tiến trình xây dựng NTM của tỉnh.
Cũng theo ông Hậu, Quảng Ninh hiện đã xây dựng 21 thương hiệu được thị trường chấp nhận tại các địa phương. Để tiếp tục mở rộng và đầu tư có trọng điểm trong lĩnh vực này, tỉnh rất chú trọng đầu tư cho vấn đề SX, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tập trung nguồn lực về mọi mặt, quy hoạch các vùng SX tập trung, theo hướng hàng hóa, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận, phần lớn các làng nghề, nghề truyền thống của Quảng Ninh đều đang trong tình trạng rất khó khăn. Điển hình như làng gốm sứ Vĩnh Hồng (thị trấn Mạo Khê, Đông Triều), khoảng 5 - 7 năm về trước, có tới trên 230 hộ dân theo nghề làm gốm, tập trung khoảng 33 lò đốt nhưng đến nay cũng chỉ còn vài lò hoạt động cầm cự mà nguyên nhân chính cũng là do không tiêu thụ được sản phẩm, mẫu mã sản phẩm không đổi mới và cũng không có cách làm mới để phát huy thế mạnh làng nghề. Hay như làng nghề đan thuyền và ngư cụ ở Nam Hòa (TX Quảng Yên) đang bị “già hóa” vì lao động trẻ không trụ được với nghề, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.
Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dành khoảng 36 tỷ đồng để xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm. Đây là một trong những nội dung thực hiện của chương trình OCOP. Với cách làm này, Quảng Ninh hy vọng sẽ góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho dân cư nông thôn và giảm nghèo thông qua việc phát triển SX, kinh doanh các sản phẩm truyền thống (nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ...) có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh theo hướng phát triển nông thôn nội sinh và gia tăng giá trị hàng hoá; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức SX” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Ngoài ra, thông qua việc phát triển SX tại các địa bàn nông thôn, đời sống nông dân sẽ từng bước được nâng cao, góp phần hạn chế số nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Tân Yên
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã