Tại cuộc hội thảo được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng nay (13-9) tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghiên cứu của VEPR chỉ rõ, lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng ở mức trung bình hàng năm đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.
Cũng trong giai đoạn này, lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần (mức tăng là 2 lần trong giai đoạn 2004-2015). Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian.
Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về tác động của tăng lương tối thiểu đối với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác nhau về quy mô của thị trường lao động và năng lực công nghệ và năng lực tài chính của các khối doanh nghiệp nhằm đối phó với sự gia tăng các chi phí lao động.
Về mức lương trung bình, mặc dù lương tối thiểu tăng có tác động tiêu cực đáng kể đến tất cả các khu vực kinh tế, việc tăng lương tối thiểu có tác động ít hơn trong khu vực tư nhân so với khu vực nhà nước và FDI.
Về việc làm, tác động của tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm nhiều hơn trong khu vực nhà nước (lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến việc làm giảm 0,25%), nhưng tác động nhẹ và không đáng kể ở khu vực tư nhân và FDI.
Đáng lưu ý, trong khu vực tư nhân, các doanh nghiệp có mức tuân thủ chế độ lao động cao hơn (thể hiện qua việc đóng bảo hiểm xã hội) cắt giảm việc làm nhiều hơn.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động cảm thấy khó khăn hơn vì chính sách lương tối thiểu, và buộc phải cắt giảm nhân công. Trong khi đó, các doanh nghiệp chấp hành ít nghiêm chỉnh hơn, đã “né tránh” phần nào tác động của tăng lương tối thiểu, và do đó, không cắt giảm nhân công.
Về lợi nhuận, khu vực tư nhân chịu những tác động tiêu cực đáng kể từ tăng lương tối thiểu.
Trung bình, lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm.
(Nghiên cứu của nhóm tác giả VEPR)
ANH PHƯƠNG
http://www.sggp.org.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã