Quyết định số 1385/ QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký ngày 21- 10- 2018 ban hành, phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018- 2020.
Quang cảnh hội nghị |
Theo đó sáng 13/11 tại Gia Lai, Bộ Nông nghiệp- PTNT, phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới tại thôn, làng, bản, ấp thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2018- 2020. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai- ông Kpă Thuyên tham dự và chủ trì Hội nghị. Ngoài ra còn có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, có đại diện của 41 tỉnh trong cả nước thực hiện Đề án này.
Phạm vi thực hiện của Đề án sẽ hỗ trợ cho 36 tỉnh, gồm 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn đạt dưới 10 tiêu chí tại các khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Trong đó, có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí. Tại Gia Lai, Đề án này sẽ triển khai tại 22 làng ở 6 xã thuộc 3 huyện biên giới gồm: Ia O, Ia Chia ( Ia Grai); Ia Na, Ia Pnôn( Đức Cơ) và Ia Mơr, Ia Puch (Chư Prông). Đặc biệt, đến nay Gia Lai không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Đề án với nội dung chính là tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng mục đích, ý nghĩa để người dân và cộng đồng cùng tham gia; đánh giá thực trạng các thôn, làng thuộc phạm vi Đề án; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện; đào tạo kỹ năng phát triển cộng đồng và huy động nhiều nguồn lực để thực hiện Đề án một cách hiệu quả…
Mục đích của Đề án là ưu tiên các nguồn ngân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực để thực hiện Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Phấn đấu đến cuối năm 2019 cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh có tên trong đề án đã có tham luận, nêu lên những kinh nghiệm, cũng như những thuận lợi khó khăn khi thực hiện triển khai đề án.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các địa phương thực hiện Đề án sớm xây dựng và ban hành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các thôn, làng, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở những nơi được thụ hưởng; đào tạo cán bộ thôn, làng, bản ấp. Khảo sát xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình xây dựng mô hình phát triển kinh tế ở những khu vực thuộc Đề án đã phê duyệt. Rà soát cơ chế hỗ trợ thôn, làng, bản, ấp đặc biệt khó khăn. Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế, nhằm hỗ trợ các mô hình sản xuất và xử lý môi trường nông thôn. Tập trung nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng các HTX Nông nghiệp, phi nông nghiệp kết nối nông dân với doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ nông sản. Rà soát đề án khoa học và công nghệ để xây dựng các mô hình sản xuất ưu tiên các tỉnh thực hiện Đề án, đồng thời xây dựng các HTX ở các xã được thụ hưởng từ Đề án này. Mục tiêu chính của Đề án là phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo AN- QP, nâng cao chất lượng cuộc sống- cả vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân vùng được thụ hưởng...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã