Vượt qua tâm lý trông chờ
Theo ông Dương Văn Tô, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, trong thời gian đầu thực hiện xây dựng NTM, do tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa biết vận dụng nội lực từ dân, nhiều địa phương đã gặp lúng túng trong triển khai. Sau khi vượt qua được tâm lý trông chờ này, lộ trình triển khai xây dựng NTM ở Quảng Ngãi mới được khai thông.
“Sau khi toàn bộ hệ thống chính trị ở từng địa phương vào cuộc quyết liệt, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua lễ phát động phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung sức xây dựng NTM” được tổ chức hầu khắp các địa phương và được nhân dân đồng thuận cao, việc triển khai xây dựng NTM mới gặp thuận lợi”, ông Tô nói.
Cũng theo ông Tô, tỉnh Quảng Ngãi vận dụng cách làm, có ít tiền thì làm những tiêu chí ít cần tiền trước, những tiêu chí cần nhiều tiền thì vận động trong dân, nhất là những người dân địa phương làm ăn xa quê hiện đang thành đạt. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, khi chưa có tiền vẫn vận động người dân giải tỏa mặt bằng, khi có tiền bắt tay làm ngay. Thôn này làm được, kích thích thôn khác làm theo. Nhờ đó, tính đến tháng cuối tháng 3/2013, Quảng Ngãi đã có 8 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 101 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và 55 xã đạt 5 tiêu chí. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, Quảng Ngãi còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong công tác quy hoạch.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm mô hình trồng ớt cho thu nhập cao ở Bình Dương
Ông Dương Văn Tô cho biết thêm: “Thời điểm khởi động, có 164 xã cùng lúc lập quy hoạch, hầu hết đều “tựa” cả vào đơn vị tư vấn. Trong khi đó, nhiều đơn vị tư vấn không có năng lực, có xã chuyển tư liệu vào cho những đơn vị ở tận TP HCM đọc và... lập quy hoạch. Do thiếu thực tế, không phải là sản phẩm của nhân dân nên nhiều quy hoạch không có tính khả thi”.
Điểm sáng Bình Dương
Trong phong trào xây dựng NTM tại Quảng Ngãi, xã Bình Dương thuộc huyện Bình Sơn được đánh giá là điểm sáng với nhiều bứt phá ngoạn mục. Nếu như trước khi triển khai chương trình (2011), nhờ đi trước một bước nên Bình Dương đã đạt được 7 tiêu chí gồm: chợ nông thôn, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hôi vững mạnh và an ninh trật tự xã hội. Sau 2 năm thực hiện, đến cuối năm 2012, Bình Dương đạt thêm 5 tiêu chí khác đó là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhà ở dân cư, giáo dục, môi trường và điện. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2013, Bình Dương sẽ đạt thêm 4 tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học và cơ cấu lao động.
Để đạt được thành quả trên, Bình Dương nhờ vào sự chung lòng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong nhân dân dẫn tới quyết tâm về đích sớm nhưng phải đảm bảo chất lượng. Bứt phá đáng kể nhất của Bình Dương là công tác dồn điển đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp nhằm chỉnh trang lại đồng ruộng. Tính đến cuối năm 2012, Bình Dương đã thực hiện được 197/356 ha, chiếm 55,3% diện tích đất sản xuất với tổng kinh phí gần 1,3 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của dân và ngân sách xã. Sau đó, Bình Dương tiếp tục thực hiện tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Có thể ví dụ mô hình chuyển đổi 50 ha đất sản xuất lúa năng suất thấp sang làm cây ớt; hay như mô hình sản xuất lúa lai, lúa giống.
"Việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân cần được đặt nặng trong quy hoạch của những xã NTM. Hãy cùng nhân dân bàn bạc, định hướng sản xuất vừa phù hợp từng địa phương, vừa đạt hiệu quả cao để vài năm sau đời sống người dân khấm khá hơn. Trong các đề án cần thể hiện đậm việc chọn ra những cây, con có triển vọng cao về tính hàng hóa, có sức cạnh tranh lớn để tổ chức sản xuất. Đồng thời lồng ghép với chương trình đào tạo nghề để dạy cho nông dân áp dụng thực tế sản xuất những đối tượng đã chọn. Xây dựng NTM phải được dựng lên thành phong trào trong toàn dân”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh. |
Qua hình thức tổ chức sản xuất nói trên, Bình Đương đã có 85 ha đất sản xuất nông nghiệp cho thu nhập bình quân 300 triệu/ha/năm. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, Bình Dương làm mới mặt bằng trường Mẫu giáo với tổng diện tích 4.300 m2 với kinh phí 1,35 tỉ đồng, trong đó chỉ có 450 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của huyện, còn lại là ngân sách địa phương; làm mới 6 phòng học trường tiểu học với kinh phí 2,16 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn xã tham gia 30%, bê tông hóa 859 m đường liên thôn, kinh phí 952 triệu đồng, 40% là vốn của xã; nâng cấp 9 km đường ngõ xóm ở 11 khu dân cư.
Theo ông Lê Minh Chính, Chủ tịch UBND xã, trong giai đoạn 2014-2015, Bình Dương sẽ phấn đấu về đích sau khi hoàn thành 3 tiêu chí: cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo. “Tuy nhiên, để đạt tiêu chí số 11 về tỉ lệ hộ nghèo, đối với Bình Dương quả là khó khăn. Bởi đây là địa phương nằm về phía hạ lưu sông Trà Bồng, hằng năm vào mùa mưa thường bị ngập lũ, suốt 3 tháng không sản xuất được. Để ổn định sản xuất, năm nào cũng vậy, người dân ở đây đều phải góp từ 600-800 triệu đồng/năm để đắp đập bổi ngăn sông nên đã tước đi 1 khoản lớn thu nhập của người dân”, ông Chính bộc bạch.
Sau khi đi thực tế tại xã Bình Dương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá: “Việc dồn điền đổi thửa của Bình Dương là cách làm hay, đặc biệt là đối với khu vực miền Trung nên cần được nhân rộng. Việc xây dựng NTM ở Bình Dương đã cho người dân thấy chính mình và con cháu là đối tượng hưởng lợi nên đạt được sự đồng thuận cao”.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã