Ngày 3/4, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015 theo Nghị quyết TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 và Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 8/11/2010 của Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về xây dựng NTM.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Nam Định đã đạt được những thành tựu đáng kể. Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình với một tinh thần rất tích cực, quyết tâm cao, thu hút được sự hưởng ứng và tích cực tham gia của người dân.
Hai là tỉnh đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách, lựa chọn và hình thành cách làm, bước đi phù hợp với điều kiện của mình. Trong đó sự thành công của công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) kết hợp với chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng đã tạo ra bước đột phá trong xây dựng NTM. Chính khâu đột phá này đã tạo tiền đề cho việc mở rộng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX, hình thành các vùng SX hàng hóa tập trung, đưa nền nông nghiệp của tỉnh vào quỹ đạo của một nền nông nghiệp SX hàng hóa.
Qua việc DĐĐT đã vận động được nhân dân hiến hàng ngàn ha đất. Đây là một nguồn lực rất lớn để từ đó có thể xây dựng được những công trình như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng…
Ba là đã tập trung các nguồn lực của tỉnh, huy động cao các nguồn lực của địa phương, đặc biệt là huy động được sự đóng góp của nhân dân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như: Giao thông, thủy lợi, nước sạch, cở sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục…
Sau 3 năm (2010-2013), Nam Định đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh và giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội. Bộ mặt nông thôn đã được đổi mới rõ nét.
Bốn là Chương trình MTQG xây dựng NTM đã khiến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao… tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn, an ninh nông thôn ổn định. Trình độ SX, đời sống vật chất và văn hóa của nông dân được nâng cao. Tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái được khơi dậy. Các hoạt động văn hóa truyền thống dần dần được khôi phục và phát huy…
Và năm là, cùng với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá khác của tỉnh, kết quả 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự ổn định, phát triển mọi mặt và việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh…
Về con số cụ thể. Đến nay, sau 3 năm thực hiện chương trình, trong số 96 xã và thị trấn của Nam Định được chọn để thực hiện mô hình xây dựng NTM, có 12 xã đã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí so với Bộ tiêu chí về NTM (huyện Hải Hậu 7 xã, huyện Nghĩa Hưng 3 xã, huyện Xuân Trường 2 xã). 11 xã đã đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí (trong đó huyện Hải Hậu 7 xã, huyện Vụ Bản 2 xã, huyện Ý Yên 1 xã và huyện Xuân Trường 2 xã). 14 xã đạt và cơ bản đạt 17 tiêu chí (trong đó huyện Hải Hậu 4 xã, huyện Giao Thủy 2 xã, huyện Ý Yên 2 xã, huyện Nghĩa Hưng 1 xã, huyện Nam Trực 1 xã, huyện Trực Ninh 1 xã, huyện Xuân Trường 1 xã, huyện Vụ Bản 1 xã và TP. Nam Định 1 xã). 59 xã đã đạt từ 12 đến 16 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 12 tiêu chí. 113 xã và thị trấn còn lại, tuy chưa được chọn để thực hiện mô hình xây dựng NTM, nhưng bình quân cũng đã đạt được từ 8 đến 9 tiêu chí/xã, thị trấn.
Báo cáo cũng đã phân tích một cách khách quan, toàn diện những nguyên nhân làm nên thành tích trên. Đồng thời với tinh thần trung thực, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thực, UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình của mình, cũng như những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó, cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, để tập trung khắc phục.
Một trong những bài học kinh nghiệm quý nhất mà Nam Định đã rút ra được cho mình trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trong 3 năm qua là: Làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn xóm, làm từ thôn xóm lên xã. Xã chủ trì xây dựng các công trình chính của xã, các thôn xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của xóm thôn. Các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân ngõ, 3 công trình vệ sinh của hộ gia đình. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM. Không nóng vội chạy theo thành tích.
Dẫu còn rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm rất cao của lãnh đạo từ tỉnh đến địa phương, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn dân, tin tưởng rằng Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015 của Nam Định sẽ hoàn thành tốt đẹp.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã