Sau khi khảo sát thực tế và theo đề xuất của các huyện, xã khu vực miền núi, từ tháng 5/2013, Ban chỉ đạo chương trình XDNTM tỉnh đã chọn 3 bản gồm bản Tôm (xã Ban Công, huyện Bá Thước), bản Poọng (xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hoá) và bản Hậu (xã Tam Lư, huyện Quan Sơn) để triển khai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Văn, Phó văn phòng điều phối chương trình XDNTM Thanh Hoá cho hay: Đây là những bản có 100% dân số là người dân tộc thiểu số, còn lưu giữ được bản sắc văn hoá riêng và có tính cộng đồng cao, vì thế khi triển khai chương trình sẽ gặp nhiều thuận lợi. Từ nay đến năm 2017, Thanh Hoá phải hoàn thành chương trình XDNTM ở các xã miền núi, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nên đòi hỏi phải có bước đi, cách làm sáng tạo.
“Việc lựa chọn XDNTM từ thôn, bản là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế của các huyện miền núi Thanh Hoá, có như vậy mới đẩy mạnh phong trào này ở 11 huyện miền núi. Hơn nữa, các bản ở miền núi có diện tích tương đối rộng nên xây dựng theo quy mô toàn xã là quá khó khăn”, ông Văn nói.
Được biết, ngay trong năm nay, 3 bản trên sẽ được tỉnh hỗ trợ 600 - 900 triệu đồng/bản để triển khai chương trình. Trước mắt, Văn phòng điều phối XDNTM Thanh Hoá phối hợp với các huyện xây dựng đề án XDNTM ở từng bản, sau đó báo cáo tỉnh cơ chế chính sách, nội dung và phương hướng triển khai.
Tại các địa phương được chọn thí điểm, các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn bà con chỉnh trang nhà cửa theo kiến trúc chung của người Kinh và nhà sàn của các dân tộc thiểu số, xây dựng hàng rào, cây xanh. Hầu hết các gia đình nuôi nhốt trâu, bò dưới sàn nhà đều xây dựng khu vực chuồng trại riêng, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan của bản. An ninh trật tự ở các bản cũng được tăng cường; chính quyền địa phương vận động người dân góp ngày công, hiến đất làm đường, xây dựng đường nội thôn, đồng bào đoàn kết, hỗ trợ nhau giảm nghèo... Các cấp chính quyền cũng hướng dẫn, chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ để tập trung nguồn lực cho các bản XDNTM đạt hiệu quả cao như Chương trình 30a, 134, 135 và các chương trình hỗ trợ khác của các tổ chức phi chính phủ.
Việc xây dựng thí điểm NTM tại 3 bản vùng cao nói trên sẽ giúp địa phương và Ban chỉ đạo chương trình XDNTM Thanh Hoá nhìn thấy được ưu - nhược điểm để rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng.
Tuy nhiên, theo ông Văn, việc triển khai XDNTM ở Thanh Hoá nói chung, khu vực miền núi của tỉnh nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến chậm triển khai một số hạng mục công trình. “Ví dụ như Quyết định 782 của UBND tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ 3 loại hình công trình NTM (công sở xã, trung tâm văn hoá, trạm y tế) chỉ mới áp dụng cho 117 xã đăng ký hoàn thành chương trình vào năm 2015, nên đại đa số các xã khu vực miền núi chưa được hỗ trợ chính sách này, đây cũng là một hạn chế không nhỏ”, ông Văn nói.
Việc Thanh Hoá đưa ra sáng kiến XDNTM từ cấp thôn, bản được xem là một đột phá sáng tạo, nó có thể giữ gìn được phong tục tập quán của từng vùng miền, từng dân tộc nhưng vẫn thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Thanh Tuấn (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã