Điêu đứng vì thua lỗ
Thiếu vốn, dịch bệnh hoành hành, giá con giống và thức ăn tăng cao đang đẩy không ít hộ chăn nuôi, trang trại vào tình cảnh khánh kiệt vì thua lỗ kéo dài. Thậm chí nhiều hộ chăn nuôi không còn tài sản để thế chấp dẫn đến bế tắc trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay để tiếp tục tái đàn.
Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy tốc độ tăng đàn gia súc, gia cầm trong quý 1 đã giảm đáng kể. Cụ thể đàn lợn, gia cầm giảm 2-3%; đàn trâu bò giảm 3-4% so với cùng kỳ năm trước.
Gia công thuê cho nước ngoài sẽ khiến ngành chăn nuôi chết ngay trên sân nhà
Hiện giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước đang ở mức thấp nhất so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Cụ thể, giá thịt lợn hơi bình quân (quý 1/2013) chỉ khoảng 40.000 đồng/kg (trong khi ở Thái Lan 43.000 đồng/kg; Trung Quốc là 46.000 đồng/kg).
Bên cạnh đó, sức mua trên thị trường yếu dẫn đến đàn lợn đến tuổi xuất chuồng không bán được, bị quá lứa làm cho số đầu con giảm nên tổng sản lượng thịt lại không giảm hoặc giảm không đáng kể. Đó là các yếu tố dẫn đến giá thịt lợn hơi giảm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi trong nước lại đang ở mức cao, cụ thể thức ăn công nghiệp cho lợn con ở Việt Nam có giá từ 13.000 đến 14.000 đồng/kg, trong khi đó cũng loại thức ăn này ở Thái Lan chỉ ở mức 12.000 đồng/kg.
Tương tự với gia súc, đàn gia cầm cũng lầm vào tình cảnh khốn đốn khi sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, trong khi giá thức ăn, con giống tăng lên vùn vụt. Theo thống kê của hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, chỉ riêng về chăn nuôi gia cầm tại khu vực Đông Nam Bộ hiện có khoảng 1.500 trang trại với vốn đầu tư 2 tỷ đồng /trang trại, tương đương ba nghìn tỷ đồng đầu tư chăn nuôi gia cầm, chưa tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Thua trên sân nhà
Trước tình trạng chăn nuôi thua lỗ kéo dài và không còn khả năng để tái đàn, nhiều hộ chăn nuôi và chủ các trang trại chăn nuôi đã phải chọn mô hình chăn nuôi thuê (hay còn gọi gia công thuê) cho các doanh nghiệp nước ngoài với mong muốn thoát khỏi cảnh phá sản. Việc gia công thuê giúp cho người nông dân có thu nhập ổn định và tránh được các tác động của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại nếu người chăn nuôi đều làm gia công cho các doanh nghiệp FDI thì trong tương lai ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đi làm thuê cho nước ngoài, còn ngành chăn nuôi trong nước sẽ đổ vỡ. Bởi việc gia công chỉ mang đến sự ổn định về công việc bước đầu chứ không đưa đến sự phát triển cho người chăn nuôi.
Trên thực tế, mô hình chăn nuôi gia công là hình thức mà người chăn nuôi sẽ chịu trách nhiệm về việc đầu tư chuồng trại còn doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm, đầu tư toàn bộ con giống, hỗ trợ kỹ thuật thú y, thức ăn cho vật nuôi…
Điều đáng nói ở đây là mặc dù bỏ ra số vốn khá lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng để chăn nuôi nhưng hầu hết các hộ chăn nuôi gia công đều chỉ nhận được khoản tiền công rất rẻ. Cu thể là người nuôi heo thuê chỉ nhận được gần 2.000 đồng/kg heo xuất chuồng. Đây là một khoản tiền quá ít ỏi nếu không muốn nói là không xứng đáng với mức đầu tư ban đầu và công sức mà người chăn nuôi bỏ ra.
Chưa kể việc gia công thuê chỉ diễn ra trong 5 năm, sau khoảng thời gian này, nếu người chăn nuôi không bảo đảm các yếu tố an toàn chuồng trại thì việc tiếp tục ký hợp đồng sẽ khó nói trước. Kèm theo đó, các khoản hỗ trợ của doanh nghiệp cũng bị cắt giảm dần, không còn được như mức ban đầu. Như vậy, có thể thấy rằng người chăn nuôi đang đánh đu với nghề nghiệp mình khi chọn phương án gia công thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy vậy với những khó khăn không có lối thóat mà người chăn nuôi gặp phải như hiện nay thì việc gia công thuê vẫn là con đường duy nhất cứu cánh cho họ. Vì vậy mà riêng tại khu vực Đông Nam Bộ người chăn nuôi đang chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp FDI ngày càng nhiều không còn là điều lạ. Các công ty được người dân gia công thuê chủ yếu là: Japfa (Indonesia), CP (Thái Lan) và Emivest (Malaysia)...
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ: “Tình trạng người chăn nuôi gia công thuê kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường. Bởi người chăn nuôi đang dần trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất, chuồng trại của chính mình. Về lâu dài người chăn nuôi không còn có quyền quyết định giá cả các sản phẩm từ chăn nuôi mà thay vào đó là sự lệ thuộc các doanh nghiệp nước ngoài”.
Thùy Trang
(Theo PetroTimes)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã