Điều chỉnh kịp thời
Theo quy định đăng ký thành lập và quá trình vận hành sản xuất, DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ phải xây dựng và gửi thang, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quy định này lại gây không ít khó khăn cho DN, bởi so với quy mô thì các quy định về pháp luật giữa DN siêu nhỏ dưới 10 lao động và DN hàng nghìn lao động lại không có nhiều khác biệt. Vì vậy, không ít DN siêu nhỏ phải tìm cách để “lách” quy định.
Trước những bất cập này, Nghị định 121 vừa được Chính phủ ban hành đã chính thức miễn thủ tục gửi thang, bảng lương, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động đối với DN dưới 10 lao động. Cụ thể, Nghị định 121 yêu cầu, khi DN tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang, bảng lương, định mức lao động gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của DN để theo dõi, kiểm tra.
Đánh giá về việc tháo gỡ những quy định gây khó khăn cho DN, nhiều ý kiến cho rằng đây là bước đi phù hợp và kịp thời của Chính phủ; tạo điều kiện cho DN siêu nhỏ phát triển. Tuy vậy, nhiều đề xuất nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách miễn, giảm tiêu chuẩn, thủ tục trong pháp luật lao động cho DN siêu nhỏ. Qua đó, tạo sự cân bằng giữa phát triển và lợi nhuận của DN trong khi vẫn đảm bảo sự bảo vệ thích đáng cho người lao động (NLĐ) tham gia vào thành phần kinh tế này.
Định mức lao động phải phù hợp
Cũng tại Nghị định 121, quy định mới được DN quan tâm đó là, từ ngày 1/11/2018, DN khi xây dựng định mức lao động để làm cơ sở trả lương cho NLĐ hưởng lương theo sản phẩm phải đảm bảo nguyên tắc: Định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý. Đồng thời, mức lao động phải được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của NLĐ, quy trình công nghệ, và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động.
Bên cạnh đó, Nghị định còn yêu cầu, mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông NLĐ thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của DN theo quy định của pháp luật. Mặt khác, mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. DN phải thông báo cho NLĐ biết ít nhất 15 ngày trước khi áp dụng thử. Thời gian áp dụng thử tùy theo tính chất công việc, nhưng tối đa không quá 3 tháng và phải đánh giá việc thực hiện định mức.
Nghị định 121 cũng nêu rõ, nếu trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì DN phải điều chỉnh lại mức lao động.
Việc tháo gỡ những thủ tục rườm rà cản trợ sự phát triển của DN tại Nghị định 121 sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN về phát triển kinh tế tư nhân. |
Hoa Quỳnh/http://congthuong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã