Bí thư Thành ủy Hà Giang Trần Mạnh Lợi bộc bạch: "Chín việc của hộ gia đình, bảy việc của thôn và tám việc của xã" là nội dung do Ban chỉ đạo xây dựng NTM của UBND thành phố Hà Giang đề ra. Chỉ rõ các việc cần làm, tránh chồng chéo, dễ nhớ, dễ thực hiện cùng với áp dụng hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi", thì xây dựng NTM ắt thành công.
Muốn "dân biết", tất yếu lấy tuyên truyền làm cốt lõi; nhưng để tạo bước chuyển nhận thức, đi đến đồng thuận không đơn giản, nhất là trong bối cảnh bà con chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế.
Ban đầu, nhiều người còn mơ hồ là xây dựng NTM tốn rất nhiều tiền, do Nhà nước bao cấp toàn bộ, dân chỉ việc thụ hưởng nên nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Một số người lại tỏ ý băn khoăn "Đóng góp nhiều, tốn tiền liệu có thành công, đời sống có được nâng cao?". Thậm chí, có cán bộ cũng bỡ ngỡ, hiểu chưa đúng nên chỉ đạo thiếu sát hợp. Chủ tịch UBND xã Phương Thiện Kiều Văn Bắc cho hay, quy hoạch dự toán hàng tỷ đồng, nhiều cán bộ vừa choáng vừa lo, không biết lấy đâu ra kinh phí. Nghiên cứu kỹ tài liệu, văn bản hướng dẫn, mới dần vỡ lẽ cách làm.
Thay đổi tư duy, nếp nghĩ cũ, thành phố Hà Giang chỉ đạo đột phá từ khâu tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", trước hết cấp ủy và đội ngũ cốt cán, trưởng bản nêu cao nhận thức, hiểu thấu mới phổ biến, vận động hanh thông. Được tập huấn, nâng cao năng lực, cán bộ tự tin tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhiều buổi họp triển khai, có nơi dân bỏ về giữa chừng vì viện cớ bận nhưng cán bộ không nản, kiên trì đả thông tư tưởng. Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ Nguyễn Xuân Diệu kể, được giải thích cặn kẽ, bà con mới hiểu rằng vẫn là nông thôn ấy, chỉ những gì cũ kỹ thì "làm mới" lên, quê hương sẽ "thay da đổi thịt" và mình làm cho bản thân thụ hưởng.
Xây dựng NTM không thể một sớm một chiều, nhưng nếu chần chừ sẽ chậm tiến độ, và khi tập trung triển khai phải đối mặt muôn vàn khó khăn với cả núi việc: hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng, kiên cố hóa trường học, "dồn điền, đổi thửa"... Trong cái khó ló cái khôn, tiêu chí nào dễ, chưa cần kinh phí thực hiện trước; khó làm sau. Tín hiệu đáng mừng là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới trong các mô hình giá trị kinh tế cao như chăn nuôi lợn hàng hóa, trồng nấm, phát triển cây khoai tây vụ đông...; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã giúp bà con thu nhập ngày một khấm khá, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay tại quê hương.
Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ Nguyễn Xuân Diệu nhớ lại, lúc đầu làm đường, có người còn bàng quan đứng ngoài cuộc; sau này xã chỉ đạo quyết liệt gắn xây dựng NTM vào quy ước của thôn, bản; phát động đoàn thể hăng hái tham gia.
Chủ tịch UBND xã Phương Thiện Kiều Văn Bắc tiết lộ, cách thức người dân tự bình bầu và chấm điểm các thôn theo ba-rem tạo khí thế ganh đua sôi nổi, thôn nào cũng nỗ lực phấn đấu giành phần thưởng.
Thực tế chứng minh, ngay cả các tiêu chí khó hoàn thành nhất như đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, nếu biết phát huy nội lực, đoàn kết, đồng lòng quyết tâm vào cuộc, cách làm không máy móc, dập khuôn thì vẫn có thể về đích sớm. Bác Mai Thanh Nam, Bí thư chi bộ thôn Lâm Đồng kể, có hộ dân khi được đề nghị hiến đất thẳng thừng từ chối "nhà tôi không đi qua đoạn đường đó", chi bộ phải đả thông, thuyết phục là "anh hiến chỗ này để người khác đi, họ hiến chỗ khác để anh đi", thế mới ổn thỏa. Trên tinh thần "việc làng - đất vàng cũng hiến" và "hiến đất - mất 1 được 2", nhiều hộ còn tình nguyện lấp ao, hiến cả trăm m 2 đất.
Làm những con đường sau, chỉ cần lấy đường cũ làm mẫu phát động là mọi việc hanh thông, dân làng hồ hởi đóng góp bằng ngày công, vật liệu.
Đời sống bà con còn khó khăn, nên muốn huy động thuận lợi, phải thông báo rộng rãi chủ trương kế hoạch, niêm yết công khai mức dự toán, minh bạch mọi khoản đóng góp. Mỗi người dân thật sự làm chủ, trực tiếp tham gia từ khâu quy hoạch xây dựng NTM; tự bàn, tự thu, tự mua vật liệu và cùng thôn, xã giám sát thi công, tránh xảy ra thất thoát, lãng phí. Nhờ sự đôn đốc sát sao, hỗ trợ kỹ thuật của thành phố, tiến độ công trình được đẩy nhanh, bảo đảm chất lượng. Để khoan sức dân, thành phố cùng xã tìm mọi cách xoay sở, linh hoạt kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn thi công trên tinh thần ủng hộ, sau tính toán nguồn thu trả dần. Đồng cảm và chia sẻ khó khăn, một số doanh nghiệp còn bỏ tiền tỷ xây trường học, công trình thủy lợi, làm đường... tặng xã. Mọi khoản tài trợ, ủng hộ bằng tiền, hiện vật đều được ghi rõ trong sổ vàng, nên đáng mừng là không có điều tiếng thắc mắc, kêu ca phàn nàn trong dư luận nhân dân.
Thành quả xây dựng NTM mừng mà vẫn còn lo. Làm sao tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo trì, sử dụng tốt cơ sở hạ tầng, giữ vững phong độ luôn là nỗi niềm trăn trở của chính quyền và mỗi người dân để xã NTM luôn "mới" ở mọi mặt.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã