Sau 30 năm gắn bó với cây chè, giờ đây người trồng chè Văn Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã không còn mặn mà với cây chè nữa. Nguyên nhân là do làm chè không đủ sống. 500 ha chè được trồng và quy hoạch rất bài bản nơi đây từng là điểm sáng của ngành chè Yên Bái, với năng suất có năm đạt trên 13 tấn/ha. Đến nay, các đồi chè của 30 năm về trước đã cằn cỗi, gốc nhiều hơn lá, nhiều đồi chè bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Trước đây, thôn Đá Voi, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình có 76 hộ dân thì cả 76 hộ đều làm chè, diện tích đạt trên 90 ha, nhưng hiện nay chỉ còn hơn 20 hộ làm chè, còn lại trả cho nhà máy, chấp nhận đi vác đá, làm thuê.
Theo giải thích của Trưởng thôn Nguyễn Văn Thanh và nhiều người dân thì: Làm chè vất vả là thế nhưng người làm chè không sống nổi bằng chè. Mỗi gia đình làm 1ha chè, một năm thu hái được 8 tấn chè búp tươi, bán giá bình quân 2.700 đồng/kg búp sẽ thu về 21 triệu đồng, trong khi đó để đạt năng suất như vậy, người làm chè phải đầu tư khoảng 7 triệu đồng tiền phân bón, 1 triệu đồng tiền thuốc trừ sâu, 600.000 – 1.000.000 đồng tiền khấu hao nương chè, 250.000 đồng tiền thuê đất, nên lời lãi không được bao nhiêu. Bình quân mỗi người làm chè một tháng chỉ cho thu nhập 400.000 – 500.000 đồng. Thu nhập từ chè thấp là thế nhưng từ tháng 11/2009 đến nay, Công ty thu mua chè vẫn chưa trả tiền bán nguyên liệu thì làm sao người dân có thể gắn bó với chè?! Để có tiền duy trì cuộc sống, nhiều người dân tìm cách bán chè cho tư nhân, và bán chè cho tư nhân thì bị ép giá, thiệt thòi đủ đường.
Đi khắp vùng chè Yên Bái ở đâu cũng có thể nhận thấy người trồng chè không còn mặn mà với cây chè nữa. Thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn là một trong những nông trường chè đầu tiên của cả nước. Sau 40 năm, hiện giờ cây chè đã cỗi. Những năm gần đây cây cam đã xuất hiện trên đất Nông trường Trần Phú. So với trồng chè thì cây cam cho thu nhập gấp nhiều lần. Vậy là thay vì trồng chè vất vả, người dân nơi đây quay sang trồng cam.
Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở khu 6, thị trấn Nông trường Trần Phú có 5.000 m2 chè nhưng chỉ cho thu hái khoảng 3.000m2, còn lại là già cỗi phải trồng cải tạo. Trồng chè cả đời nhưng cuộc sống của gia đình chị chỉ thay đổi khi cây cam xuất hiện. Với hơn 6.000m2 trồng cam, mỗi vụ gia đình chị thu hoạch trên 100 triệu đồng. Thu nhập từ cam đã giúp gia đình chị và nhiều gia đình khác xây dựng được nhà cửa khang trang.
Chị Nguyễn Thị Duyên cho biết: “Nói về hiệu quả kinh tế của cây chè thì không cao. Người dân ở đây thu nhập chính không phải từ cây chè mà là cây cam. Cũng có lúc tôi nghĩ phá đi để trồng loại cây khác, thâm tâm muốn thay đổi cây trồng, trồng cây gì cho năng suất cao hơn, thu nhập cao hơn thì bớt khổ…”
Tuy nhiên cây cam không phải là lối thoát cho vùng chè truyền thống này. Cây cam có thể giúp một số gia đình nhanh nhậy đổi đời, nhưng không thể đưa tất cả những người làm chè ở vùng đất này thoát khỏi bế tắc. Về cơ bản lợi thế so sánh của vùng đất này vẫn là cây chè.
Với gần 13.000 ha chè, Yên Bái là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước. Vẫn xác định chè là một trong những cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có một số chính sách khuyến khích phát triển chè. Một số xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn nằm trong khu vực Nông trường Trần Phú đang triển khai trồng mới và cải tạo lại các diện tích chè cũ. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân sẽ được trợ giúp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật.
Ông Đỗ Anh Thiện, Chủ tịch UBND Thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn cho biết: “Hàng năm chúng tôi thành lập các tổ kinh tế hoặc Ban xóa đói giảm nghèo tuyên truyền và vận động nhân dân trồng mới và cải tạo các diện tích chè già cỗi, chuyển vào các diện tích trồng mới. Nhà nước đã hỗ trợ cho nhân dân, riêng về tiền giống là 100%. Bà con triển khai tương đối là tốt. Năm nay thị trấn triển khai cho bà con đăng ký được gần 50ha.”
Tuy nhiên, trong chương trình chấn hưng cây chè Yên Bái, còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém. Giai đoạn 2006 - 2010 Yên Bái mới cải tạo, trồng mới được hơn 2.000 ha chè, quá nhỏ so với diện tích chè già cỗi cần thay thế hiện nay. Và sau 5 năm triển khai dự án cải tạo, trồng mới, người trồng chè vẫn không sống nổi bằng chè./.
Theo Đinh Tuấn/vov.vn