Thúc đẩy phát triển sản xuất
Gia đình ông Thái Lập Tư (thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là một trong những hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH). Ông Tư kể, được NHCSXH cho vay hơn 50 triệu đồng, ông đầu tư, mở rộng mô hình trồng cây táo, mãng cầu và chăn nuôi gà. Đến nay, ông đã có vườn cây ăn quả xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Từ đồng vốn này, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, từng bước trả nợ, lãi đúng hạn và xây dựng được nhà cửa khang trang”, ông Tư nói. Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (thôn Như Xuân 2, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) cũng thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng từ NHCSXH. Bà Lệ cho biết: “Được vay 20 triệu đồng, tôi xây chuồng nuôi hơn 100 con thỏ; đồng thời mua phân bón cho hơn 1,5ha điều. Đến nay, mỗi tháng gia đình tôi thu nhập hơn 6 triệu đồng, kinh tế gia đình từng bước phát triển”.
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Thái Lập Tư đầu tư trồng cây ăn quả, vươn lên thoát nghèo |
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn lượt gia đình trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ nguồn vốn vay NHCSXH. Nguồn vốn tín dụng cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, liên kết thông qua tổ hợp tác, hội, đoàn thể... Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ mía ở xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) là một điển hình. Ban đầu, tổ chỉ có 7 thành viên liên kết sản xuất trên 16ha mía giống mới cho năng suất 70 tấn/ha. Sau khi được vay thêm vốn ưu đãi, các thành viên trong tổ đã mở rộng sang lĩnh vực vận chuyển mía sau thu hoạch, cung ứng phân bón, giống mía mới cho người trồng mía ở địa phương, qua đó, thu lãi bình quân hơn 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Ngoài ra, còn nhiều tổ liên kết sản xuất hiệu quả như: sinh vật cảnh (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh); rau an toàn (xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa); trồng hoa và cây cảnh (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang)...
5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 12.860 tỷ đồng vốn tín dụng phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới, chiếm gần 85% tổng số nguồn vốn huy động thực hiện chương trình này. Nguồn vốn tín dụng này từ NHCSXH, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quỹ tín dụng nhân dân đã tạo “cú hích” để nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn; góp phần làm tăng số lượng các xã đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người.
Đảm bảo an sinh xã hội vùng nông thôn
Không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, nguồn vốn tín dụng còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội ở vùng nông thôn. Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH giữ vai trò quan trọng khi dư nợ cho vay đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng.
Trước đây, xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, môi trường bị ô nhiễm... Để giải quyết vấn đề này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho các hội viên được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hệ thống nước sạch, bể lọc nước, bể chứa nước, giếng khoan... Theo bà Nguyễn Thị Gõ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phương, hiện nay, hơn 95% số hộ của xã được sử dụng nước sạch, gần 100% hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn... là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi hơn 12 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng đem lại trong những năm qua rất lớn. Nó là đòn bẩy, động lực thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân, tạo bộ mặt mới cho các vùng nông thôn. |
Được biết, dư nợ cho vay vốn để cải thiện vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt ở vùng nông thôn của tỉnh đã đạt gần 400 tỷ đồng. Số vốn này góp phần không nhỏ vào việc giúp gần 92% người dân khu vực nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh, hơn 77% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh... Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng còn tập trung cho vay ở các chương trình đảm bảm an sinh xã hội khác như: hộ đồng bào dân tộc thiểu số 17 tỷ đồng; học sinh, sinh viên hơn 467 tỷ đồng; hộ nghèo hơn 273 tỷ đồng, cận nghèo 354 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi đang tăng nhanh của người dân ở khu vực nông thôn. Các địa phương mong muốn chính sách cho vay thông thoáng hơn, thời gian cho vay dài hơn và số vốn vay nhiều hơn...
Theo VĂN NGUYỄN/baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã