Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định: đầu tư vào nông nghiệp luôn được Chính phủ ưu tiên, đặc biệt là khuyến khích đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp. Tuy vậy, FDI trong nông nghiệp thời gian qua còn rất hạn chế so với tiềm năng và kỳ vọng.
Quá nhiều nút thắt
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, Việt Nam xuất khẩu nông sản rất mạnh, đem về 28,5 tỷ USD trong năm 2013. Có được thành quả này không chỉ nhờ nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp (DN) trong nước, mà còn phải có vai trò quan trọng của các DN nước ngoài trong việc đầu tư vốn, công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thế nhưng, FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng sụt giảm đến mức báo động. Nếu cách đây 15 năm, FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI, thì trong 3 năm gần đây, chiếm chưa đến 0,5%.
Theo ông Trần Văn Công - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), tính trong cả giai đoạn 1998 – 2012, Việt Nam thu hút 562 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 2,9 tỷ USD và tổng vốn thực hiện gần 3 tỷ USD. Bình quân mỗi năm ngành NN&PTNT thu hút gần 37 dự án đầu tư nước ngoài, nhìn chung các dự án FDI trong nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chủ yếu là các dự án FDI gắn liền với nguồn nguyên liệu của địa phương.
Bên cạnh những thành tựu góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm cho nông dân góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu cho ngân sách, thu hút FDI trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế, như: tỷ trọng FDI thấp và thiếu ốn định; hiệu quả FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của nước ta trong lĩnh vực này; phân bổ vốn FDI không đều giữa các địa phương.
Hầu hết các dự án FDI nông nghiệp có quy mô vừa nhỏ, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung vào một số địa phương có nguồn nguyên liệu và lợi thế về cơ sở hạ tầng, thổ nhưỡng tốt. Phần lớn dự án FDI vào nông nghiệp tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, trong khi các tỉnh vùng sâu, vùng xa hầu như chưa thu hút được dự án nào.
Đầu tư FDI trong khu vực nông nghiệp cũng có độ chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản, sản xuất thức ăn gia súc… Ngành trồng trọt ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.
Đề án mở đường?
Ông Công cho rằng hạn chế trong thu hút FDI vào nông nghiệp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đây là lĩnh vực luôn tiềm ẩn rủi ro từ nhiều phía (điều kiện tự nhiên, thị trường, lãi suất thấp, thu hồi vốn chậm vì phải theo chu kỳ cây trồng, vật nuôi). Chính vì vậy, thời gian qua đã có tới 15,6% số dự án bị giải thể.
Nền nông nghiệp Việt Nam hiện còn mang nặng tính sản xuất nhỏ, đầu tư phân tán, thiếu chuyên nghiệp làm hạn chế khả năng liên kết giữa nông dân và DN. Bên cạnh đó, chiến lược, định hướng thu hút FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chưa rõ ràng về vị trí, cơ cấu nguồn vốn FDI trong tổng thể các nguồn lực khác nhau, từ đó không xây dựng được quy hoạch nguồn vốn FDI cũng như các dự án cụ thể cần ưu tiên vận động đầu tư trong lĩnh vực này.
Hệ thống pháp luật cơ chế chính sách FDI vào nông lâm ngư nghiệp kém hiệu quả và chưa đủ sức hấp dẫn. Tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, phức tạp, khó xử lý… đang "bó buộc" khả năng tăng cường đầu tư FDI vào nông nghiệp.
Để gỡ nút thắt trên, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Dự thảo đề ra mục tiêu huy động tối đa nguồn lực FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa nông sản có chất lượng, hiệu quả, bền vững. Chủ động gắn sản xuất với thị trường trong nước và thị trường quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao thu nhập trên một đơn vị ha đất canh tác, cải thiện đời sống của nông dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã