Theo báo cáo tổng hợp, toàn quốc hiện có khoảng 15.093 công trình cấp nước tập trung, hoạt động theo các mô hình khác nhau, như mô hình cộng đồng (48%); trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh (19%); tư nhân (11%); UBND xã (12%); doanh nghiệp (5%); hợp tác xã-ban quản lý (5%)...
Đến hết năm 2013, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,5%, tiến sát tới mục tiêu 85% năm 2015 trong Quyết định 336; tỷ lệ được sử dụng nước sạch quy chuẩn 02 đạt 38,7 trên 45% mục tiêu. Tỷ lệ trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 87-92%.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, Chương trình sẽ cơ bản hoàn thành các mục tiêu vào năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu cấp nước và vệ sinh trường học sẽ khó đạt được và nhìn chung, kết quả Chương trình chưa thực sự bền vững. Việc thu hút các nguồn vốn, xã hội hóa lĩnh vực cấp nước vẫn chưa thực sự hấp dân các nhà đầu tư.
Khuyến khích xã hội hóa, phát triển thị trường nước sạch
Kết luận cuộc họp, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được của Chương trình trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu từ nay đến 2015, các cơ quan, địa phương liên quan bám sát nhiệm vụ tại Quyết định 336 của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết thực hiện đảm bảo mục tiêu đã đề ra về số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tất cả cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng trung bình 60l/người/ngày.
Vì vậy, việc triển khai Chương trình thời gian tới cần hướng tới việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, phát triển thị trường nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường nông thôn. Căn cứ đặc điểm của từng vùng, từng địa phương và nhu cầu nước sử dụng để lực chọn mô hình, quy mô công nghệ, cấp độ dịch vụ phù hợp với khả năng tài chính và công tác quản lý, khai thác, sử dụng công trình bền vững sau đầu tư.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị cần rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả như tỉnh Hải Dương đã cung cấp nước sạch tới hơn 80% số hộ; tỉnh Hà Tĩnh triển khai mô hình đầu tư tư nhân dự án cung cấp nước trị giá hơn 4.500 tỷ đồng…
Mặt khác, Chương trình cần tập trung triển khai ở các địa phương còn đạt thấp về chỉ tiêu nước sạch nông thôn, đưa ra danh sách để Chính phủ, các cơ quan liên quan chỉ đạo, đôn đốc thực hiện ở những nơi chưa thực sự quan tâm, chú trọng thực hiện chương trình có tính xã hội cao này.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng gợi ý cần xây dựng chính sách giá nước phù hợp với thị trường, cung cấp dịch vụ nước đầy đủ, đảm bảo chất lượng thay vì bao cấp, bù lỗ và chủ yếu trông chờ từ đầu tư ngân sách đang khó khăn như thời gian qua; qua đó mới kêu gọi được đầu tư ngoài xã hội, Ngân sách Nhà nước chỉ tập trung các dự án ở các vùng miền núi vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa hoặc lồng ghép các cơ chế chính sách đảm bảo an sinh xã hội khác.
Nguyên Linh
theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã