Sau 5 năm thành phố thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, về lại vùng ngoại thành TP.HCM, chúng tôi ngỡ ngàng trước diện mạo mới với hệ thống đường sá rộng rãi, thoáng đãng. Có được thành quả này là nhờ nhiều người tự nguyện hiến đất làm đường.
Đồng lòng vì lợi ích chung
Dẫn chúng tôi đi trên hai tuyến đường Xuân Thới Thượng 41 và Xuân Thới Thượng 18 (dài khoảng 100m, rộng 7m) thuộc xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, đường được tôn cao, trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ, xe cộ ngược xuôi, từng nhóm học sinh tan học về rộn rả tiếng cười vui, ông Phạm Văn Cáo (ngụ 28/5 ấp 1) chỉ vào khoảng đất bên cạnh, vui vẻ nói:
“Con đường này trước đây là hẻm chật chội, người dân phải nhường nhau qua lại. Hễ mưa là ngập, lầy lội, trẻ đi học hay bị trượt té nên không ai dám đi, trong khi đó bên cạnh là toàn bộ đất của gia đình tui. Thấy bà con đi lại khổ sở nên khi được chính quyền tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung vận động người dân hiến đất mở đường, gia đình tui đã bàn bạc và đồng ý hiến 1.400m2 đất”.
Với thửa đất gần 2.000m2, cuộc sống gia đình ông Cáo trông chờ vào nghề nông và vườn cây cảnh. Khi hiến đi 1.400m2 đất, ông cùng gia đình canh tác trên phần đất còn lại. Nhắc lại chuyện này, ông Cáo hồ hởi:
“Vào thời điểm hiến đất, giá đất ở mức 5 triệu đồng/m2 , tính ra cũng khá nhiều tiền, nhưng tui thấy rất thanh thản, nhẹ nhàng; đơn giản tui chỉ muốn đóng góp công sức nhỏ bé cho xã hội.
Tui nghĩ đây là chủ trương đúng đắn, mỗi người nên có ý thức trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Lợi ích cuối cùng vẫn là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống người dân tốt hơn. Bây giờ đường sá khang trang, việc đi lại thuận tiện, sạch sẽ, tui thấy vui, bà con nơi đây cũng rất phấn khởi”.
Noi theo gia đình ông Cáo, nhiều hộ dân tại xã Xuân Thới Thượng cũng đã hiến một phần đất của mình để làm đường nông thôn như hộ gia đình bà Bùi Thị Tám (ấp 2), hộ bà Lê Thị Giàu (số 133/6, tổ 20, ấp 5), hộ ông Phạm Văn Cạch (ấp 5)…
Bà Cao Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng cho biết, xã có khoảng 1.758 hộ hiến đất làm đường với hơn 36.797m2, tổng giá trị ước đạt 167 tỷ đồng, trong đó gia đình ông Phạm Văn Cáo hiến nhiều nhất.
Các tuyến hẻm được nhựa hóa tại xã Nhơn Đức. huyện Nhà Bè |
Nhiều người dân xã khác của H.Hóc Môn cũng hy sinh quyền lợi của mình. Gia đình ông Huỳnh Châu Khiết (64 tuổi) ngụ tại ấp 4, xã Nhị Bình hiến hàng trăm mét vuông đất. Ông Khiết tâm sự:
“Nhiều năm trước, nơi đây thường xuyên ngập lụt do ấp nằm cặp theo mé sông Sài Gòn, ngay phía dưới hồ Dầu Tiếng. Mỗi lần hồ xả nước lại ngập lụt lênh láng, nhiều đêm gia đình tôi không dám ngủ.
Sau này, khi họp tổ ấp, chính quyền vận động người dân hiến đất làm bờ đê, gia đình tôi đã không do dự hiến 700m2 đất. Giờ đây nhìn đường đê vững chãi, không chỉ gia đình tôi mà cả hàng trăm hộ dân nơi đây đều cảm thấy an tâm, hạnh phúc vì không còn phải sợ cảnh ngập lụt nữa”.
Dân ưng thuận, việc gì cũng xong
Một lãnh đạo UBND H.Hóc Môn cho biết, nhờ nhân dân đồng thuận, trong 5 năm qua, các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã vận động được 8.434 hộ hiến đất để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục xã, trục ấp với tổng diện tích trên 272.000m2, trị giá hơn 555 tỷ đồng.
Người dân còn đóng 0góp gần 8.000 ngày công lao động tham gia làm đường giao thông, nạo vét kênh mương cống rãnh. Ngoài ra, các xã cũng đã vận động nhân dân, doanh nghiệp chung sức thực hiện bê tông hóa 447 tuyến hẻm, ngõ xóm với chiều dài gần 54.000m, kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Phong trào xây dựng nông thôn mới không chỉ lan tỏa ở H.Hóc Môn mà còn ở nhiều quận huyện ngoại thành khác như Bình Chánh, Nhà Bè…
Đường đê số 3 được bê tông hóa của xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh giờ đây xe vận tải thoải mái vận chuyển nông sản, hàng hóa. Ít ai biết, trước đây, khi mưa, nước ngập lênh láng, người dân chống xuồng mò mẫm vượt qua từng vạt ruộng.
Đây chỉ là một trong 37 tuyến đường được nâng cấp, tráng nhựa của xã Tân Nhựt. Người dân nơi đây đã đóng góp hơn 80 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công lao động để làm nên những tuyến đường liên thôn, liên xã.
Ông Trần Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho biết: “Trước khi thực hiện đề án, Tân Nhựt là một trong sáu xã nghèo của H.Bình Chánh, đa số người dân sống bằng nghề nông. Trong khi đó, địa bàn tương đối rộng, mạng lưới giao thông nông thôn chưa phát triển, việc đi lại hết sức khó khăn.
Trong quá trình thực hiện, xã đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, động viên nhân dân tích cực hiến đất để xây dựng nhiều tuyến đường, nạo vét kênh rạch, xây trường học. Đến nay xã đã vận động hơn 800 hộ hiến 128.462m2 đất với giá trị trên 73 tỷ đồng”.
Ông Cáo hạnh phúc vì con đường Xuân Thới Thượng 41 do gia đình ông hiến đất đã khang trang sạch sẽ |
Cùng với H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè cũng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Có 64 công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, bao gồm 56 tuyến đường trục xã, liên xã, ấp và các tuyến giao thông nội đồng với tổng chiều dài gần 43.500m.
Ngoài ra, huyện còn xây mới, sửa chữa tám cây cầu, góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Có được những thành quả này, không thể không nhắc đến những người dân đã tự nguyện hiến đất. Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Trúc, ngụ ấp 1, xã Phú Xuân tâm sự, gia đình bà đã hiến 200m2 đất làm đường mở rộng hẻm, nhờ vậy việc buôn bán của người dân trong ấp diễn ra thuận lợi.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Hồng, ấp 1, xã Phước Kiển cho biết, gia đình vận động con cháu hiến hơn 2.000m2 đất để xây dựng công viên, khu vui chơi, giải trí tập thể dục cho người dân.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới, có được sự thành công phong trào hiến đất làm đường ở các xã thuộc các quận huyện ngoại thành TP.HCM là nhờ sự quyết liệt, kiên trì trong vận động và có sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân.
Kết quả nói trên sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.
Đường giao thông phát triển, việc vận chuyển rau sạch của người dân huyện Hóc Môn đến các siêu thị thuận tiến hơn |
Theo UBND TP.HCM, tính đến tháng 8/2015, các cấp chính quyền TP.HCM đã huy động được 19.650 hộ dân hiến hơn hai triệu mét vuông đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với giá trị tương đương gần 1.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư cũng như tạo sự thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã