Gỡ "nút thắt" hạn điền
Một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2016-2020 là tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trên nền tảng cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân trên 3,0%/năm trong 5 năm tới.
Đi vào vấn đề cụ thể về tích tụ đất đai, ông Trần Mạnh Báo- Chủ tịch Nhóm công tác Nông nghiệp của VPSF- cho rằng, một thực tế đang tồn tại hiện nay là nhiều doanh nghiệp cần hàng ngàn hecta đất để sản xuất nông nghiệp và đã mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn không thể hoàn tất thủ tục khiến họ nản lòng và đành dành vốn cho kênh đầu tư khác hiệu quả hơn.
Đưa ra giải pháp tháo gỡ, ông Báo cho rằng, để tạo động lực cho doanh nghiệp nông nghiệp, trước hết cần xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất đai linh hoạt tùy bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Trí Ngọc- Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn- chỉ rõ, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận đất đai vì phải thỏa thuận với hộ nông dân và nếu thỏa thuận được thì phải chi phí 2 lần trả tiền sử dụng đất, gồm: tiền thuê hoặc mua đất của người có quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất (tuy có được miễn giảm). Trong khi, các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp chỉ phải trả tiền thuê đất mặt bằng.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có chính sách để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ phải trả tiền mua (hoặc thuê) đất một lần, tránh tình trạng để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân" - Ông Ngọc nói và kiến nghị, Chính phủ cũng cần sớm hình thành thị trường đất đai đúng nghĩa để doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với chính sách xoá bỏ hạn điền và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần xây dựng các chính sách thu hút đầu tư phù hợp đối tượng và quy mô doanh nghiệp.
Cụ thể, theo ông Báo, với các doanh nghiệp lớn, cần tập trung các chính sách tạo cơ chế, tạo khung pháp lý để khuyến khích hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và các cam kết ổn định chính sách.
Bên cạnh đó, cần có các quy hoạch chiến lược ngành, cùng doanh nghiệp xác định các thị trường trọng tâm và cơ hội thâm nhập, chinh phục để từ đó doanh nghiệp quay lại chủ động đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và liên kết tạo thương hiệu, sản phẩm... Còn với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp đi lên từ hộ cá thể, cần hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ thủ tục hành chính thông thoáng, thuận tiện để tiếp cận và triển khai công việc; hỗ trợ thông tin về thị trường; hỗ trợ đào tạo năng lực quản trị doanh nghiệp; làm thương hiệu; đăng ký sở hữu trí tuệ...
Lấy thị trường làm mục tiêu và thước đo
Cùng với vấn đề hạn điền, vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cũng được các chuyên gia khẳng định đang là "điểm nghẽn" của nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Anh- Phó Chủ tịch Nhóm công tác Nông nghiệp VPSF, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thuỷ sản Nam Miền Trung- khẳng định, có thị trường là có tất cả và chính sách phát triển thị trường là vấn đề trọng yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng các chính sách để phát triển thị trường nông nghiệp dường như còn rất ít được quan tâm hoặc chưa đúng hướng, chưa hiệu quả.
"Thực tế này là do cách “phân vai” trong quản lý và cách làm thị trường chưa hiệu quả"- ông Anh nói và phân tích, với thị trường xuất khẩu, có 3 Bộ tham gia và mỗi Bộ quyết định một khâu. Bộ NN&PTNT quyết định về sản xuất, Bộ Tài chính quyết định về giá và Bộ Công Thương quyết định về xúc tiến thương mại. Đối với thị trường trong nước, phần lớn các địa phương dựa vào cơ quan khuyến nông nhưng đây là cơ quan có chức năng thúc đẩy sản xuất, không có tư duy làm thị trường.
Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa lấy thị trường làm thước đo và mục tiêu để phát triển sản phẩm, thường sản xuất và tiêu thụ những gì sẵn có mà không tập trung tạo ra các sản phẩm thị trường có nhu cầu.
Ở khía cạnh pháp lý, rất nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) đã hoặc sắp có hiệu lực liên quan tới thị trường các ngành hàng, trong đó có nông sản, nhưng chưa được phân tích rõ ràng và gắn kết với các chiến lược trong nước.
Khuyến nghị giải pháp, ông Anh cho rằng, trước mắt, Nhà nước có thể xây dựng Chương trình hành động ngành nông nghiệp, trong đó, có cơ chế để doanh nghiệp cùng Chính phủ nghiên cứu, xác định thị trường mục tiêu và các cơ hội, điều kiện với nông sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng và công bố lại quy hoạch, chiến lược về phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo vùng khí hậu.
Chính phủ cần chỉ đạo hình thành các khu vực, các vùng canh tác, chế biến, sản xuất ''kiểu mẫu'' với cách thức triển khai chuẩn từ khâu sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra.
"Mô hình này không phải các địa điểm nhỏ lẻ mang tính "biểu diễn" mà là các vùng canh tác rộng theo chuẩn" - ông Anh khuyến cáo và bổ sung, cần có quy hoạch logistics đi kèm quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh nông sản.
Hoàng Châu
http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã