Những hàng cau vua làm góp phần làm cho môi trường sạch đẹp hơn.
Mô hình mới - cách làm hay
Trên khắp các ngả đường đi vào xã Hồng Vân, cho dù có những đoạn chưa được đổ bê tông nhưng hai bên đường đều được quy hoạch trồng một số loài cây đặc trưng.
Tuyến đường nào trồng cau vua, tuyến đường nào trồng hoàng yến, bằng lăng, phượng, điệp vàng... đều được chính quyền và nhân dân ở đây bàn bạc và tích cực triển khai.
Mùa hè, những cây bằng lăng, phượng vĩ lại đua nhau khoe sắc như tô điểm thêm hương sắc cho một vùng quê. Nhiều gia đình còn xây dựng những vườn hoa, cây cảnh vừa để làm đẹp ngõ xóm vừa để bảo vệ môi trường.
Ý thức bảo vệ môi trường được bắt nguồn từ quyết tâm thực hiện và giữ vững cho được 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
“Chủ trương của Hồng Vân là dân có thể chưa giàu, đường có thể chưa bê tông hóa nhưng cây xanh thì phải có. Để có những phương án tối ưu, Hồng Vân thuê hẳn một đơn vị chuyên tư vấn, thiết kế cho riêng mình. Có bản thiết kế trong tay, lãnh đạo xã một lần nữa ngồi lại cân nhắc lần cuối trước khi thực hiện để đảm bảo tính thống nhất, tính thẩm mỹ, ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết.
Không dừng lại ở đó, chính quyền địa phương còn giám sát việc thực hiện để đảm bảo cây trồng được lên nhanh nhất. Đồng thời khuyến khích người dân trồng và chăm sóc cây xanh, không xả thải trực tiếp ra môi trường.
“Đến nay, chúng tôi tự hào có bộ mặt nông thôn xanh - sạch - đẹp với hàng vạn cây xanh được trồng khắp các cung đường vào xã. Đặc biệt, trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình vườn trại sinh thái, nông trại giáo dục VietVillage... thu hút khách du lịch về tham quan nghỉ ngơi. Đây là một trong những hướng đi đã được chính quyền các cấp huyện Thường Tín ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển và nhân rộng”, ông Đăng nói.
Tiếp tục nâng cao ý thức người dân
Trong khi nhiều nơi, các cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, nước thải sinh hoạt của người dân… chưa qua xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường nhưng tại xã Hồng Vân, để môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp, chính quyền địa phương đã tổ chức các đoàn đi thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất nông nghiệp, khuyến cáo nông dân hạn chế lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp và hướng dẫn bà con thu gom, xử lý các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Theo ông Lê Thiết Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để bảo đảm môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn ở cấp xã cần được quan tâm, nhất là cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm.
Song song đó, các địa phương cần kết hợp việc xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải, nâng cấp nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong KDC, phát triển cây xanh ở các khu công cộng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn cảnh quan môi trường.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, Mặt trận các cấp trên địa bàn Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc bảo vệ môi trường; tuyên truyền và tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư, xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường… Nhờ đó, đến nay toàn thành phố có 5128/5128 KDC đăng ký “KDC tự quản bảo vệ môi trường”.
Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch UBMTTQ Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban thường trực UBMTTQ Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của UBMTTQ các cấp, các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường.
Việc UBMTTQ thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và môi trường cùng 8 tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thành phố đã ký cam kết chung tay bảo vệ môi trường đã thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc bảo vệ môi trường.
Theo: Nhã Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã