Đổi thay ở Dũng Phong
Chúng tôi về Dũng Phong, xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Hòa Bình mới thấy được những thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng được xây dựng khang trang; các mô hình sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân nơi đây có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Dũng Phong Bùi Văn Sắng cho biết, để làm tốt công tác xây dựng NTM, Đảng ủy và chính quyền xã Dũng Phong đã chú trọng việc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thật sự là chủ thể của phong trào xây dựng NTM. Giai đoạn qua với tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã là 202 tỷ đồng, trong đó nhân dân trong xã đã đóng góp 16,1 tỷ đồng. Trong bốn năm, toàn xã đã có 409 hộ gia đình hiến 18.593 m 2 đất nông nghiệp, 9.316 m 2 đất thổ cư để xây dựng đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng.
Nhân dân các thôn đã tham gia đóng góp hơn 25.000 ngày công xây dựng nông thôn mới.
Đến nay diện mạo của xã với kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá...
được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 11,9 km đường trục xã, liên xã, 6,2 km đường thôn xóm, 7 km đường nội đồng được cứng hóa; 20,2 km kênh mương cứng hóa. Đặc biệt, để nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tổng diện tích cấy hai vụ lúa từ 85 ha xuống còn 15 ha, diện tích trồng mía tăng đến nay là 342 ha, diện tích trồng cam, bưởi 150 ha. Xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo các hình thức gia trại, trang trại với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như gà đồi, lợn bản địa, trâu bò thịt; tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nghề đan lát, thổ cẩm. Nhờ vậy, thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt với năm 2014 là 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,5%.
Ông Bùi Thanh Xuân, xóm Đổng Ngoài, xã Dũng Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) phấn khởi báo tin vui: "Những năm qua, việc xây dựng NTM trên địa bàn xã Dũng Phong đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân chúng tôi có cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp. Điển hình trong đó là với nguồn vốn được cấp, xã đã xây dựng cho nhân dân một con đường nội đồng rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản. Từ khi có con đường nội đồng mới, gia đình tôi và các hộ dân khác đã sản xuất được thuận lợi hơn. Sau khi có đường, xe ô-tô của thương lái đã đến tận chân ruộng để mua, vì vậy giá thành cũng được tăng lên, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với trước kia". Cũng là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, ông Bùi Văn Khuyến ở xóm Bãi Bệ 1, xã Dũng Phong, huyện Cao Phong chia sẻ: "Trước đây khu vườn rộng vài trăm m 2 của gia đình tôi chỉ trồng những loại cây cho giá trị thu nhập thấp.
Nhưng từ khi có chương trình xây dựng NTM về địa phương, tôi được cán bộ xã, huyện hướng dẫn chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn. Do là cây trồng mới nên khi bắt đầu triển khai trồng, gia đình tôi được cán bộ khuyến nông huyện, xã tận tình chỉ bảo kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cộng với học tập từ thực tế nên cây bưởi phát triển khá tốt. Hiện nay, gia đình tôi đã trồng được 60 gốc bưởi Diễn và đã cho thu hoạch ba năm nay. Năm vừa qua, mỗi gốc cho thu nhập bình quân khoảng hơn năm triệu đồng, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ trồng bưởi khoảng 300 triệu đồng".
Huy động các nguồn lực
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Lê Văn Thạch cho biết, qua thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có xã Dũng Phong đạt đủ 19 tiêu chí, 25 xã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí, 29 xã đạt từ 13 đến 15 tiêu chí, 42 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí, 93 xã đạt từ năm đến chín tiêu chí và chỉ còn một xã đạt dưới năm tiêu chí. Riêng năm 2014 tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là hơn 2.141 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó là một chặng đường gian nan bởi khi bước vào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp rất nhiều khó khăn.
Qua kết quả đánh giá trước khi xây dựng NTM bình quân các xã của tỉnh chỉ đạt 4,4 tiêu chí/xã, số xã đạt dưới năm tiêu chí là 130 xã. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là về cơ sở hạ tầng nông thôn, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Để khắc phục những hạn chế này Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nét mới trong phương thức tiếp cận, truyền tải đến đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, riêng trong năm 2014 toàn tỉnh đã huy động được khoảng 74,46 tỷ đồng.
Trong đó, đã huy động được 226.428 ngày công lao động; nhân dân đã hiến 175.887 m 2 đất, đóng góp bằng tiền, vật liệu, máy móc và các hình thức khác quy ra tiền là hơn 22 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM và đóng góp của nhân dân, trong năm 2014 Hòa Bình đã làm mới, nâng cấp được khoảng 68 km đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn lồng ghép các xã trên địa bàn đã bê-tông hóa, nhựa hóa đường trục xã được 52,87 km, đường trục thôn, bản 129,5 km, đường ngõ, xóm 111,42 km, đường trục chính nội đồng 93,24 km, cải tạo, xây dựng mới được 50 cầu, cống dân sinh. Ngoài ra, các địa phương cũng đã làm mới, nâng cấp được khoảng 36 km kênh mương nội đồng; sửa chữa, nâng cấp 73 công trình thủy lợi. Với chủ trương tập trung cao nhất cho phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, khuyến khích liên kết, liên doanh theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Vì vậy, trong năm qua toàn tỉnh đã thực hiện được 152 mô hình sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 74 tỷ đồng. Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất ở địa phương có sự phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng...
Phát huy những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM, thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ban chỉ đạo và văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM; đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tập trung tạo sự chuyển biến về xã hội, cảnh quan môi trường nông thôn; phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội; huy động nguồn lực cho xây dựng NTM.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã