Câu chuyện về HTX Nông nghiệp 714 và quyết tâm của Chủ nhiệm HTX Vũ Xuân Thu xứng đáng là điển hình về mô hình kinh tế hợp tác trong giai đoạn hiện nay, khi mà tư duy về cách thức làm kinh tế tập thể đang có dấu hiệu bị... "lung lay".
EA PAL là một xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Ea Kar, tỉnh Ðác Lắc. Vậy nhưng hôm nay, đường vào Ea Pal đã không còn xa nữa, bởi con đường nhựa phẳng lỳ vừa mới được Nhà nước đầu tư nối từ trung tâm huyện vào đến tận xã. Hai bên đường, những căn nhà kiểu mới còn tươi mầu ngói đua nhau mọc lên như khoe sắc với ngàn hoa. Trên đường đưa chúng tôi thăm cánh đồng 714, Chủ nhiệm HTX Vũ Xuân Thu tự tin khẳng định: "Ðời sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày, một phần cũng nhờ từ ruộng lúa...".
"Nặng nợ" với 714
Tôi lộ vẻ ngạc nhiên bởi cũng giống như liên tưởng của nhiều người thì Tây Nguyên chỉ có cà-phê, cao-su, rừng và... rừng. Giọng ông Thu như chùng xuống, đầy ắp những hoài niệm về một thời gian khó trên mảnh đất này: "Vâng! Trước đây là rừng, giờ là đồng ruộng...". Năm 2006, thực hiện Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới lại doanh nghiệp, Nông trường 714 bị giải thể, toàn bộ tài sản, đất đai được chuyển giao lại cho huyện Ea Kar quản lý. Lúc bấy giờ, huyện Ea Kar đã thành lập Ban điều hành sản xuất để ổn định sản xuất cho người dân nhận khoán trên diện tích của nông trường cũ. Tuy nhiên, công tác quản lý của ban này đã sớm bộc lộ nhiều bất cập trong việc điều hành, quản lý... khiến hiệu quả sản xuất không cao. Ông Thu kể: Lúc đó, đời sống người dân ở đây còn khó khăn lắm. Giao thông đi lại khó khăn, dân trí lại thấp, do đó việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp không đáng kể, cho nên thu nhập từ ruộng lúa của bà con không đáng bao nhiêu... Khi ấy, càng nghĩ tôi càng thấy tiếc cho cánh đồng lúa bao la rộng lớn này. Ðấy là mồ hôi, nước mắt, là máu xương của anh em đồng đội một thời hy sinh đánh đổi mới có được. Phải thay đổi tư duy sản xuất, phải tìm cách giúp bà con nông dân làm giàu trên chính cánh đồng này.
Rồi trong một lần "trà dư tửu hậu" cùng mấy đồng đội cũ, mọi người thống nhất "ý tưởng" thành lập một HTX sản xuất nông nghiệp để kêu gọi bà con nông dân sản xuất lúa theo hướng tập trung. Ðược mọi người ủng hộ, ông Thu lên Sở Tài chính đối chiếu công nợ của Nông trường 714 để lại. Tại đây, ông Thu "tá hỏa" khi biết được số công nợ mà Nông trường 714 để lại còn đến 1,6 tỷ đồng. Ban đầu cũng có chút hoang mang, nhưng với ý chí quyết tâm của Anh Bộ đội Cụ Hồ, cộng với sự ủng hộ của bạn bè và sự động viên của hàng trăm hộ nông dân, ông Thu quyết định làm. Ngày 25-6-2010, HTX Nông nghiệp 714 chính thức được thành lập, trụ sở đặt tại thôn 12, xã Ea Pal, huyện Ea Kar.
Giàu lên nhờ cây lúa
HTX 714 khi thành lập có tổng số 24 xã viên. Ngay sau khi thành lập, HTX được UBND tỉnh Ðác Lắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tổng cộng 383,7 ha lúa nước hai vụ cùng toàn bộ tài sản trên đất để phục vụ sản xuất. HTX tổ chức họp dân, ký lại hợp đồng giao nhận khoán và triển khai kế hoạch gieo trồng theo thời vụ. Theo đó, đã có đến 857 hộ dân ở địa bàn các xã Ea Pal, Ea Ô (huyện Ea Kar) và Ea K’ly (huyện Krông Pác) ký hợp đồng với HTX để trồng lúa.
Khi đã ổn định tổ chức, Ban chủ nhiệm HTX bắt đầu tính đến chuyện đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Nhưng lấy đâu ra vốn để đầu tư trong khi vốn điều lệ của HTX chỉ vỏn vẹn 720 triệu đồng? Trước tình thế đó, Ban Chủ nhiệm HTX mà trực tiếp là Chủ nhiệm Thu lại đến gõ cửa từng nhà, tìm gặp từng người, từ xã viên đến các hộ nhận khoán để kêu gọi, vận động bỏ vốn đầu tư mua máy cày, máy gặt tham gia vào HTX. Không chỉ vậy, chủ nhiệm Thu còn mạnh dạn kêu gọi các hộ có máy hoạt động riêng lẻ bên ngoài kết hợp với máy của HTX thành lập các tổ dịch vụ phục vụ sản xuất cho bà con nhận khoán. Kết quả là HTX đã thành lập được bốn tổ dịch vụ làm đất và máy gặt đập liên hoàn ở bốn đội sản xuất, bảo đảm đủ công suất phục vụ gần 400 ha lúa cả HTX.
Những năm trước, khi chưa thành lập HTX, nông dân phải tự thuê máy cày, máy gặt, mạnh ai nấy làm nên năng suất không được bao nhiêu. Thêm vào đó các chủ máy lại tự động nâng giá, ép giá khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi. Giờ đây, HTX tổ chức hệ thống máy móc vào hoạt động và trực tiếp điều hành, quản lý giá cả, cho nên đem lại hiệu quả rõ rệt. Chủ nhiệm Thu dẫn chứng: Nếu như trước đây, máy làm đất hoạt động đơn lẻ, mỗi ngày chỉ làm được khoảng 1,5 ha, thì đến nay, do được điều hành tập trung, làm theo kiểu "cuốn chiếu" từ xa đến gần, từ thấp đến cao nên máy đỡ phải di chuyển nhiều, mỗi ngày có thể làm đất từ 2 đến 2,5 ha. Tính ra giá thành làm 1 ha đất cho đến khi gieo sạ đã giảm xuống cho xã viên và người lao động nhận khoán 300.000 đồng. Tương tự như máy làm đất, đối với máy gặt cũng đã giúp người nông dân tiết kiệm được khoảng 400.000 đồng/ha. Chỉ tính riêng hai khoản này, mỗi năm bà con nông dân đã tiết kiệm được trên dưới 500 triệu đồng.
Sắp xếp máy móc ổn định để phục vụ sản xuất xong, HTX liền tiến hành tổ chức hội nghị mở rộng đối với xã viên cùng tất cả các hộ nhận khoán để triển khai công tác làm đất và lịch gieo sạ đúng kế hoạch, kịp thời vụ. Ðược sự thống nhất cao trong hầu hết các hộ nhận khoán nên việc gieo sạ của bà con cơ bản rất tập trung, tiết kiệm được thời gian bơm nước, rút ngắn gần nửa thời gian gieo sạ. Ban Chủ nhiệm HTX liên hệ trung tâm khuyến nông của huyện, của tỉnh; các công ty giống lúa lai, công ty phân bón... tổ chức các khóa hội thảo, tập huấn cho xã viên và người lao động để tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ mạnh dạn đưa vào gieo trồng các loại giống lúa lai mới, cộng với áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt..., năng suất lúa bình quân cả cánh đồng đạt từ 7,5 đến 8 tấn/ha/vụ. Cá biệt, một số hộ đạt "kỷ lục" với năng suất hơn 10 tấn/ha.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang ở thôn 3, xã Ea Ô (huyện Ea Kar), ông Bùi Văn Sóc phấn khởi khoe: "Cơ ngơi này cũng nhờ đồng ruộng, cây lúa mà ra cả đó chú ạ! Ở đâu thì tôi không biết, chứ trong vùng này chuyện làm giàu từ cây lúa là bình thường...". Ngoài hộ của ông Sóc, còn có rất nhiều hộ nhận khoán đã và đang giàu lên nhờ trồng lúa, trong đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (1,5 ha), ông Dương Văn Quy (1,8 ha), ông Bùi Văn Nhượng (2 ha)... mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây lúa.
Mơ về một thương hiệu 714
Những kết quả mà HTX Nông nghiệp 714 đạt được chỉ sau gần ba năm thành lập và đi vào hoạt động đang thật sự là điển hình cho mô hình kinh tế tập thể. Thành tích mà Chủ nhiệm Vũ Xuân Thu cùng với bà con xã viên và các hộ nhận khoán đạt được mới đây đã được Liên minh HTX Việt Nam tặng bằng khen. Tuy nhiên, với Chủ nhiệm Thu, những kết quả ấy chỉ mới là bước khởi đầu cho hành trình xây dựng "thương hiệu 714" đúng nghĩa. Mục tiêu mà ông phấn đấu chính là một quy trình sản xuất nông nghiệp hoàn toàn khép kín với những sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình.
Chủ nhiệm Thu trăn trở: Tham vọng của chúng tôi là có quy trình sản xuất khép kín từ A đến Z, có nghĩa là phải chủ động được nguồn giống, phân bón, thuốc trừ sâu để phục vụ sản xuất. Và điều quan trọng nhất chính là bảo đảm đầu ra ổn định cho hạt lúa... "Ý tưởng là vậy, nhưng để hiện thực hóa nó thì lại vướng ngay đến... tiền!" - Chủ nhiệm Thu tâm sự. Bởi thực tế hiện tại, HTX chỉ thu tiền thủy lợi phí của người nhận khoán khoảng 50-70 kg thóc/sào. Số tiền này HTX dùng để trả tiền điện bơm tưới và trả ngân hàng cho khoản công nợ trước đây. Trong khi đó, theo tính toán của Chủ nhiệm Thu thì để hoàn thiện được mô hình sản xuất khép kín này phải cần đến khoảng 50 tỷ đồng.
Thực ra, để khởi động cho ý tưởng về một thương hiệu 714, ông Thu cùng Ban Chủ nhiệm HTX và các xã viên đã và đang âm thầm sản xuất một loại giống lúa mới cho ra hạt gạo dẻo và thơm, đủ điều kiện xuất khẩu. Việc làm giống đã được HTX triển khai mấy vụ rồi và đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Trong năm nay, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã ký hợp đồng với HTX để trồng 50 ha lúa giống. Hiện nay, bà con nông dân ở đây cũng đang trồng đại trà giống lúa này và đã mang lại hiệu quả rõ rệt về năng suất cũng như chất lượng.
Về khoản giống thì xem ra đã xong, nhưng rồi lấy đâu ra tiền để hiện thực hóa những ý tưởng? Tham vọng cũng như nỗi niềm trăn trở của ông Thu dường như đang rơi vào ngõ cụt, khi mà HTX của ông liên tục bị ngân hàng lắc đầu không cho tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, bởi lý do: Tài sản thế chấp là đất của Nhà nước, ngân hàng không chấp nhận. Chủ nhiệm Thu than thở: Về khoản này thì huyện cũng chịu, không can thiệp được, bởi đây là nguyên tắc của phía ngân hàng. Nói rồi ông buồn bã hướng mắt ra cánh đồng vừa mới xong vụ gặt, vẻ mặt đăm chiêu... Lặng đi hồi lâu, giọng ông Thu chùng xuống: "Phải chi họ cho HTX vay ít nhiều gì đó cũng được, để chúng tôi đầu tư dần từng bước... Mục tiêu cuối cùng cũng là vì sự phồn vinh của cánh đồng 714 này..., cũng là vì cuộc sống của người nông dân...".
Xem ra, giấc mơ về một Thương hiệu 714 hãy còn xa vời...
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG, VIỆT CƯỜNG
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã