“Dốc túi” cho đường
Anh Lê Xuân Hinh- Trưởng phòng Công Thương huyện Nông Cống, người có thâm niên gắn bó với công tác giao thông huyện trải rộng tấm bản đồ xuống nền nhà để chỉ cho tôi thấy kết cấu địa chất phức tạp của huyện. Nông Cống thuộc vùng chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng với đủ loại hình giao thông như đường sắt, đường thủy, đường bộ.
Nhắc tới tình trạng đường sá của Nông Cống xưa kia, anh Lê Xuân Hinh nói: “Nông Cống có hệ thống đường sá dày đặc, lẽ ra phải đi lại thuận lợi, thông thương nhưng trái lại, Nông Cống lại gặp khó khăn nhất ở điểm này”.
Đường quê Nông Cống giờ đã đổi thay rõ rệt. |
Anh Hinh còn vui vẻ giải thích cho tôi nhiều địa danh cổ như tên gọi Cầu Vạy, Cầu Mắm, ngã ba Vua Bà, ngã ba Cây Sơ… Cứ thế, anh hồ hởi, say sưa trao đổi vối tôi vấn đề người Nông Cống đã “ dốc sức – dốc lòng và… dốc túi” như thế nào cho đường sá quê hương gần chục năm lại đây.
Dân đã tin
Cho đến nay, Nông Cống vẫn là một huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2010 mới đạt gần 8 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 20%. Tuy vậy, từ năm 2005 đến nay, bộ mặt nông thôn ở cả 32 xã, thị trấn của huyện từng bước cải thiện, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ. Quốc lộ số 45 dài 20,7km và 4 tuyến tỉnh lộ tổng chiều dài 52km chạy qua Nông Cống đã được nâng cấp hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng, tạo động lực quan trọng để Nông Cống phát triển kinh tế – xã hội.
Nếu nói riêng về mạng lưới giao thông đường bộ từ cấp huyện lộ đến đường của xã, thôn, xóm mới thấy rõ suốt 7 năm qua (2005 – 2012), nhân dân Nông Cống thực sự đồng lòng đồng sức làm nên một cuộc cách mạng đường sá rất rầm rộ, sôi nổi.
Ông Trần Văn Thuấn - Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Các phương châm như: Phát huy nội lực; phát huy quyền dân chủ cơ sở… thì đã có từ lâu. Các giai đoạn: 1995 – 2000, rồi từ 2000 – 2005 huyện cũng bám vào các phương châm ấy để phát huy nhưng rồi đường sá vẫn chỉ là vá víu, làm xong đoạn này thì đoạn kia lại hỏng vì nền đường sụt lún không có đủ kinh phí xử lý ổn định. Dân bỏ công sức, tiền của ra mà không có được con đường đi hẳn hoi”.
Trước những vấn đề như trên, biện pháp mà lãnh đạo huyện Nông Cống đưa ra để phát triển giao thông của huyện được thay đổi phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt là, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, nhất là vốn đóng góp của dân phải minh bạch từng hạng mục công trình.
Đến nay, hệ thống đường huyện đã nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp VI láng nhựa đạt 87% tổng chiều dài. Tổng vốn đầu tư 48 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 54,20%. Hệ thống đường xã nâng cấp cải tạo mặt đường bê tông xi măng và láng nhựa được 130,34km, đạt 56,77%, đủ tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A và B. Số lượng đường còn lại cũng được cấp phối đất đá hỗn hợp vững chắc mặt đường.
Đối với hệ thống đường thôn, xóm cơ bản được láng bê tông xi măng. Loại đường này dân tự nguyện đóng góp tới 95% vốn xây dựng. Trong cuộc cách mạng đường sá ở Nông Cống, nhiều xã cố gắng tận tâm, tận lực, tự nguyện, tự giác cao như: Tượng Văn, Vạn Thiện, Hoàng Giang, Trường Sơn, Minh Thọ, Minh Nghĩa, Trường Giang, Vạn Hòa...
Phạm Hồng Chức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã