Những con đường rải đá giúp người dân xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đi lại thuận lợi. |
Cách làm nhỏ, hiệu quả lớn
Trước kia, cứ sau những trận mưa lớn thì gia đình anh Nguyễn Văn Ngà, ngụ tổ 6, ấp Nhơn Ngãi, xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn không khỏi lo lắng việc đi lại vì đường sá ngập nước, lầy lội. Sau vụ lúa hè thu vừa qua, gia đình anh rất phấn khởi vì con đường vào nhà đã được rải đá. Anh Ngà cho biết: “Chính quyền ấp cho rải đá con đường ngang nhà từ kinh phí cho các chủ vịt thuê đồng. Gia đình góp công, thêm chút tiền để có đường đá vào tận nhà. Giờ thì giao thông thuận tiện, mấy đứa nhỏ đi học cũng an tâm hơn”.
Cùng niềm vui đó, ông Nguyễn Văn Út, Trưởng ấp Nhơn Ngãi chia sẻ: "Trước khi thu hoạch lúa thì ấp tổ chức họp nhân dân thống nhất việc cho thuê đồng, sau đó ký hợp đồng với các chủ chăn vịt. Chỉ với hơn 137ha lúa, qua 3 mùa, ấp đã thu được số tiền hơn 50 triệu đồng. Số tiền ấy chủ yếu là làm đường giao thông. Mới đây, ấp vừa rải đá được hơn 3,2km với kinh phí gần 55 triệu đồng, bảo đảm 100% con đường trong ấp được rải đá, bà con phấn khởi lắm”.
Qua tìm hiểu, xã Nhơn Bình trước đây, hệ thống giao thông rất kém, chỉ có khoảng 30% đường bê tông, vì vậy việc đi lại của người dân rất vất vả. Từ đầu năm 2011, cán bộ ấp đến vận động từng hộ dân có ruộng đã thu hoạch xong cho chủ vịt chạy đồng thuê để lấy kinh phí làm đường. Vụ lúa hè thu vừa qua, toàn xã thu được hơn 170 triệu từ việc cho thuê đồng, làm được 2.050m đường bê tông, 6.300m đường rải đá và hơn 250m đường bơm cát. Trong 6 tháng đầu năm nay, người dân trong xã đã bỏ ra 600 ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Không chỉ có ấp Nhơn Ngãi thực hiện hiệu quả phong trào cho thuê đồng mà nhiều ấp trong xã Nhơn Bình cũng áp dụng. Khi đường giao thông đã thông suốt, ấp Sa Rày đã linh hoạt sử dụng tiền cho thuê đồng xây hơn 80 cột cờ để mỗi khi đến ngày lễ, Tết bà con trong xã treo cờ, tạo bộ mặt mới cho ấp. Hiện xã Nhơn Bình có 9/9 ấp thực hiện phong trào này.
Từ kinh nghiệm của xã Nhơn Bình, các xã lân cận như Hòa Bình, Xuân Hiệp... cũng vận dụng nhiều cách làm khác nhau. Ông Lý Bá Thúc, Quyền Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn cho biết: “Khoảng 3 năm trước, các ấp trong xã cho các chủ vịt chạy đồng thuê 1.650ha sau thu hoạch lúa thu được 175 triệu đồng. Địa phương dùng khoản kinh phí đó xây dựng các công trình thủy lợi, nạo vét kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp và rải đá các đường liên xóm. Qua cách làm trên, UBND xã thấy có hiệu quả, được nhân dân đồng tình cao, giúp xã nhanh chóng hoàn thiện giao thông thủy lợi. Đến thời điểm này, xã đã có 7/10 ấp thực hiện việc cho thuê đồng lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây chính là nguồn lực ban đầu để xây dựng nông thôn mới”.
Huyện Trà Ôn vốn là huyện thuần nông với khoảng 11.200ha đất sản xuất lúa. Với mức giá cho thuê đồng hiện nay là 20 nghìn đồng/công (1000m2), nếu tận dụng được những cánh đồng sau khi thu hoạch xong, huyện sẽ thu được nguồn kinh phí lớn, đóng góp xây dựng kinh tế - xã hội. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thuấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn cho biết: “Việc cho chủ chăn vịt thuê đồng để chăn nuôi, lấy kinh phí xây dựng các công trình xã hội ở địa phương là việc làm mới. Tạo ra nguồn kinh phí tại chỗ xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp lợi ích người dân".
Anh Nguyễn Thanh Quốc, cán bộ nông nghiệp xã Nhơn Bình cho biết: “Nguyên tắc làm là lấy ý kiến của nhân dân, người dân quản lý tiền, trực tiếp giám sát, thi công các công trình, công khai về tài chính, phát huy vai trò của tổ tự quản. Từ đó, khi huy động sức dân tham gia đóng góp làm cầu, đường...".
Cần xây dựng thành mô hình
Tuy đây là nét mới nhưng phong trào này chỉ mang tính chất địa phương. Đường sá được xây dựng cũng nhỏ, giải quyết đi lại trước mắt chứ chưa đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật của mô hình đường nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ thất thoát lúa khi thu hoạch của tỉnh chiếm 5-7%, phong trào người dân cho thuê đồng sau thu hoạch phát triển rộng ở huyện Trà Ôn, vừa tận dụng lượng lúa rụng để chăn nuôi, vừa có kinh phí xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Việc làm này đã có hiệu quả tốt, hiện nay nhân dân huyện Vũng Liêm cũng đang vận dụng và nhiều huyện khác trong tỉnh cũng đang học tập cách làm này".
Ở các tỉnh ĐBSCL, với hàng triệu héc-ta ruộng lúa sau khi thu hoạch, nếu học tập cách làm của các huyện ở Vĩnh Long cũng sẽ thu được một khoản kinh phí rất lớn. Vì thế, các cơ quan chức năng nên xem xét, nghiên cứu, xây dựng thành tiêu chí cụ thể để nhân rộng mô hình này.
Bài, ảnh: HÙNG KHOA
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã