Học tập đạo đức HCM

Nông dân miền Trung chạy đua với tết

Thứ năm - 04/01/2018 22:26
Dù thời tiết không thuận lợi, nhất là những đợt bão, lũ dồn dập hồi tháng 11, đầu tháng 12-2017, nhưng bà con nông dân miền Trung vẫn loay hoay để ổn định sản xuất. Ai cũng hy vọng, vụ cuối năm sẽ được mùa, trúng giá để đón Tết Mậu Tuất ấm no, sung túc sau cả năm lam lũ.
Hy vọng đất trả bù

Băng qua những con đường bê tông nhiều chỗ còn đọng nước và bùn (còn sót lại từ những đợt lũ chồng lũ cuối năm 2017), chúng tôi lạc vào cánh đồng hoa xanh rờn, mới nhú nụ của bà con các xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Người dân nơi đây chủ yếu trồng giống hoa cúc Hà Nội và pha lê. Mỗi gia đình bình quân trồng 500 - 2.000 chậu hoa. Vừa cắt tỉa, tạo dáng những chậu cúc mới đơm nụ, lão nông Mai Văn Hà, xã Nghĩa Hiệp, cho biết: “Đang nỗ lực lấy lại những gì mưa lũ đã cuốn phăng hồi tháng trước để gia đình đón tết no ấm, vui tươi”. Tương tự, người dân các làng hoa dọc theo cuối nguồn sông Hương (Thừa Thiên - Huế) khi lũ rút đã tiến hành tiêu úng, dùng bình phun xịt, tẩy rửa bùn trên lá và thân cây, bơm thuốc kích thích rễ để cây phát triển trở lại. Nay hoa bắt đầu ra nụ. Theo thương lái, hoa cúc tết năm nay giá 300.000 -500.000 đồng/chậu sẽ tiêu thụ mạnh vì hợp túi tiền.

Phường Cẩm Châu, TP Hội An là địa phương trồng hoa tết lớn nhất Quảng Nam với hơn 200 hộ dân, tập trung chủ yếu tại các khối Sơn Phô 1, Sơn Phô 2 và An Mỹ. Hơn 1 tháng nữa mới tết nhưng thời tiết mưa, rét kéo dài khiến ai cũng âu lo hoa trễ vụ. Ông Nguyễn Thêm, khối Sơn Phô 1, cho biết trồng 2.000 chậu hoa, chủ yếu dạ yến thảo, hồng ba số, hồng tiểu muội, mãn đình hồng. Tuy đã cẩn thận chăm sóc nhưng ông vẫn âu lo vì hoa sẽ khó nở kịp tết. “Thời tiết mưa rét bất thường khiến nhiều loại bệnh hại hoa bùng phát. Phun thuốc thì khi hoa nở bông sẽ kém đẹp, bán không được giá”, ông Thêm lo lắng. Còn ông Nguyễn Phú Quang gần đó cũng đang “nhấp nhỏm” với hơn 1.200 chậu hoa. “Các loại khác trong vườn bị ngập úng, hư hại sạch nên tôi chỉ còn bám víu vào hoa cúc. Nhưng thời tiết như hiện nay thì rất khó khăn, chỉ mong những ngày tới trời nắng ấm mới hy vọng”, ông Quang nói. Bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An, cho biết, phòng đã hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho các hộ trồng hoa nhằm giúp tránh thiệt hại do thời tiết bất thường gây ra. Đồng thời, xem xét hỗ trợ tiền giống khoảng 500 triệu đồng, giúp người trồng hoa ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất.

Kỳ vọng những giống độc

Tại các làng mai Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định) - được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng lớn nhất miền Trung, thương lái cùng xe tải lớn bắt đầu đổ về đặt mua những chậu mai khiến không khí nơi đây nhộn nhịp hẳn. Một nguyên nhân là do nhiều vườn đào miền Bắc bị thời tiết rét đậm kéo dài không kịp bung trấu. Ông Huỳnh Văn Hạnh, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, cho biết, các thương lái chủ yếu đến từ Vũng Tàu, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh… 

“Tuy mưa lũ liên miên, nhưng ảnh hưởng không đáng kể, tỷ lệ mai ra nụ khá tương đối, khoảng 60%-70%. Giá mai cao hơn năm ngoái 300.000 đồng/chậu. Riêng thôn Háo Đức, bình quân mỗi nhà vườn xuất bán 400-500 chậu mai nên nhiều nhà thu về khoảng 350 triệu đồng”, ông Hạnh chia sẻ. Ngoài các loại hoa truyền thống, năm nay nhiều hộ dân ở làng hoa Hòa Cường Bắc (Đà Nẵng) trồng thử nghiệm thành công hàng ngàn chậu hoa mắt nai, nhập giống từ TPHCM. Ông Nguyễn Văn Toàn  cho biết, loại hoa này khi nở có nhiều màu: tím biếc, trắng hồng, trắng đỏ rất đẹp và lạ mắt. “Tôi trồng thử nghiệm gần 500 chậu hoa mắt nai, hầu hết đều đạt hiệu quả và có khả năng nở kịp tết. Hiện thương lái đã đặt mua hết”, ông Toàn nói. 

Tương tự, người làm vườn ở Thừa Thiên - Huế đang phấn khởi với vụ hoa tết bội thu nhờ nhập giống chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, lan mokara - loài hoa quý, màu sắc phong phú: trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh. Đặc biệt, lan mokara từ lúc ra hoa đến lúc tàn kéo dài hơn một tháng nên người trồng có thể chờ lễ, tết để bán với giá cao. 

Không riêng gì hoa tết, ở những vùng chuyên canh rau màu tại miền Trung những ngày này cũng đang chạy đua với tết, kỳ vọng vụ cuối năm bội thu. Tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), người dân chủ yếu trồng rau diếp cá, hẹ sẻ. Anh Nguyễn Công Hộ, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), cho biết để đảm bảo rau xanh tốt, ít sâu bệnh và an toàn thực phẩm, anh đầu tư mái che, giàn lưới, hệ thống phun sương, bắt sâu bọ bằng phương pháp thủ công, giúp rau phát triển. “So với các loại rau khác, rau diếp cá, hẹ sẻ dễ trồng, ít sâu bệnh, có thể mọc hoang dại, chịu được hạn sinh trưởng tốt. Trung bình 1m2 thu hoạch 1kg, thời gian sinh trưởng khoảng 40 ngày, giá thành rau diếp cá, hẹ sẻ trên 20.000 đồng/kg nên người trồng rau có thu nhập khá”, anh Hồ cho biết.

Gần 200 hộ dân ở xã Gio An, Gio Linh (Quảng Trị) đang kỳ vọng mùa rau liệt 2018 với diện tích 15ha được mùa, giá cao. “Ngoài vùng đất này ra thì không nơi nào trồng được rau liệt. Một số người trong thôn đã thử bơm nước giếng vào ruộng rau nhưng không trồng được”, anh Lê Phước Thành ở thôn An Nha, xã Gio An, cho biết. “Trồng rau liệt không phân bón, thuốc trừ sâu và cũng không mất công chăm sóc. Ruộng rau là những bãi đất nhỏ xen kẽ giữa các ngọn đồi đất đỏ bazan. Gốc rau chỉ bám nhẹ trên đất đá và nguồn dinh dưỡng chủ yếu nhờ nguồn nước ngầm chảy ra từ các giếng cổ Gio An dẫn về dưới chân đồi nhờ kỹ thuật lắp ghép và kè đá mà mọi người gọi là hệ thống giếng cổ hình thành từ hàng ngàn năm trước. Đầu vụ, mọi người lấy những gốc rau sót lại từ vụ trước, đem nhân giống rồi để rau phát triển tự nhiên cho đến hết vụ. Rau liệt thường được dùng để chế biến nhiều món, như nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống hay trộn với thịt bò… Cứ 20 ngày, cắt rau một lần từ gốc đến ngọn, bỏ mối cho thương lái đưa đi phân phối khắp các tỉnh, thành ở miền Trung và sang cả nước Lào”, ông Thành nói.

Nuôi chim trĩ, chim công bán tết

Nhiều người đang tìm đến đặt mua chim trĩ, chim công mà ông Trần Đà (72 tuổi, thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) học cách nuôi từ bà con ở miền Bắc. Nuôi chim trĩ không khó, dễ hơn nuôi gà rất nhiều, tỷ lệ sống của chúng cao. Hơn nữa thịt chim trĩ chắc, ngọt hơn thịt gà nên giá chim trĩ khoảng 500.000 đồng/con, trọng lượng 1,5-2kg/con; chim công nuôi 5 năm giá 15 triệu đồng/con… Ông Đà cho biết: “Người không mua được chim công do giá cao thì họ tìm đến để sưu tầm lông khi chim công vào mùa thay lông. Những chiếc lông công màu sắc óng ánh cắm bình rất đẹp để trưng bày trong và sau tết”.

NHÓM PHÓNG VIÊN
http://www.sggp.org.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập505
  • Hôm nay68,430
  • Tháng hiện tại773,543
  • Tổng lượt truy cập90,836,936
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây