Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nằm giữa hai châu lục Á - Âu, diện tích toàn lãnh thổ 783.562 km2, trong đó có khoảng 24,4 ngàn km2 nằm trong lãnh thổ châu Âu, phần còn lại thuộc về Tây Á, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 382.650 km2. Cả nước chia làm 6 phân vùng đại lý với tổng 81 tỉnh và thành phố, lãnh thổ giáp với 2 biển lớn là Địa Trung Hải và Biển Đen, với khoảng gần 8.330 km đường biển nên thuận lợi trong phát triển nuôi biển và phát triển nông nghiệp duyên hải cũng như xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo số liệu mới nhất của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, toàn quốc có gần 80,2 triệu người, GDP 856,8 tỷ USD (nông nghiệp đóng góp 6,9%).
Về khí hậu, nơi đây có sự phân vùng khá rõ ràng theo khu vực, vùng phía tây và tây nam (giáp châu Âu) có khí hậu ôn đới với 4 mùa rõ rệt, trong đó mùa đông giá lạnh kéo dài gần 3 tháng, nhiệt độ có thể xuống tới âm 5-10 độ C như İstanbul, Bursa, Çanakale, Amasra, Bergama, Bolu... vì vậy thích hợp với các đối tượng cây trồng ôn đới. Ngược lại, khu vực phía nam, đông nam và tây nam có khí hậu ấm áp (giáp châu Á), mùa đông chỉ kéo dài duy nhất 1 tháng, nhiệt độ trung bình luôn ổn định từ 15-35 độ C như Altalya, Adana, Mersin, Alanya, İzmir, Kaş, Bodrum… rất thuận lợi phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt dễ dàng tìm thấy các giống cam và chanh, chuối...
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong nền kinh tế của 20 nước công nghiệp hàng đầu thế giới nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn là nghề chiếm đa số, cũng như là một trong số ít nước tự túc trên thế giới về lương thực. Với thế mạnh về điều kiện đất màu mỡ, khí hậu ôn hòa, tuy lượng mưa không nhiều nhưng khả năng tích trữ nước ở các hồ lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp thâm canh kết hợp hệ thống tưới tiêu công nghệ cao cho phép nước này có thể canh tác đa dạng loại hình sản xuất, kể cả trên các địa hình đồi, cao nguyên hay bình nguyên. Vì vậy, nông nghiệp được tiến hành ở tất cả các vùng ở Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 21,5% dân số ở Thổ Nhĩ Kỳ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lương trung bình của nông dân ở đây xấp xỉ 480 USD/tháng.
Về đất nông nghiệp, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước lớn nhất trên thế giới về diện tích canh tác trong nông nghiệp, khoảng 35,5%, trong đó 15% là đất rừng. Diện tích gieo trồng khoảng 30 triệu ha vào năm 2016, trong đó khoảng 18,4% diện tích canh tác được tưới tiêu.
Các sản phẩm rau, củ, quả chiếm 76% tổng sản lượng nông nghiệp (bắp cải, cà chua, khoai tây, dưa leo, hành tây, các loại đậu…), sau đó là chăn nuôi gia súc; lâm nghiệp và nghề cá đóng góp một phần nhỏ. Trái cây và cây trồng thực vật chiếm hầu hết các sản phẩm rau, lúa mì là cây trồng hàng đầu.
Theo số liệu năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ là nước sản xuất lớn nhất thế giới quả phỉ (Hagelnuts), quả sung, mơ và nho khô, là nhà sản xuất rau và nho lớn thứ 4, nhà sản xuất thuốc lá lớn thứ 6, nhà sản xuất lúa mỳ lớn thứ 8 và thứ 10 là bông. Về máy móc và thiết bị nông nghiệp, năm 2016 có khoảng 1,3 triệu máy kéo và 16,3 ngàn máy thu hoạch, cơ cấu nông nghiệp được cơ khí hóa đồng bộ, máy móc nông nghiệp được nhập khẩu từ Hà Lan và Đức.
Về cây trồng, Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như ngũ cốc, đậu, cây công nghiệp, đường, quả hạch, trái cây tươi, khô, rau quả, dầu ô liu và các sản phẩm gia súc. Các thị trường xuất khẩu chính là Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Đông.
Theo số liệu 2016, tổng sản lượng ngũ cốc và cây trồng khác 65,3 triệu tấn, sản lượng rau 30,2 triệu tấn, hoa quả 19 triệu tấn, trong đó sản xuất của một số loại cây ăn quả và cây trồng chính như nho 4 triệu tấn, táo 2,9 triệu tấn, ô liu 1,8 triệu tấn, cam 1,9 triệu tấn, hạt phỉ 420 ngàn tấn, chè 1,4 triệu tấn, lúa mì 20,7 triệu tấn, ngũ cốc 35,2 triệu tấn, cà chua 12,6 triệu tấn, dưa chuột 1,8 triệu tấn, dưa hấu 3,9 triệu tấn, hành tây 2,1 triệu tấn, ngoài ra mô hình sản xuất cây trồng hữu cơ đạt được 2,5 triệu tấn với diện tích hơn 523.777 ha.
Chăn nuôi là một bộ phận quan trọng của ngành nông nghiệp và nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng sản lượng nông nghiệp khoảng 25%. Tính đến năm 2016 số lượng gia súc tổng số khoảng 14 triệu con bò, cừu khoảng 30,9 triệu con, dê khoảng 10,3 triệu con và được chăn thả chủ yếu trên các vùng đất của Anatolia. Len là một xuất khẩu đáng kể của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng được sử dụng trong nội bộ để làm cho thế giới nổi tiếng thảm Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 19 triệu tấn sữa, 1,2 triệu tấn thịt (bò, dê, cừu), 1,9 triệu tấn thịt gà, 18,1 triệu trứng gà và 62,5 ngàn tấn len các loại được sản xuất từ những động vật này vào năm 2016. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt đến trình độ phát triển của các quốc gia trong lĩnh vực này, là nhà sản xuất thịt gia cầm lớn thứ 20 thế giới.
Chợ rau quả ở Thổ Nhĩ Kỳ |
Về nghề cá và nuôi trồng thủy sản, Thổ Nhĩ Kỳ có thế mạnh là bờ biển dài, nhiều hồ nước ngọt có diện tích mắt nước lớn, tuy nhiên nuôi thủy sản nước ngọt vẫn chưa phát triển mạnh, trong khi ngành khai thác - chế biến - nuôi trồng các loại cá biển mang giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá chẽm, cá tráp, cá hồi… lại phát triển mạnh, nằm trong top 2 các nhà xuất khẩu Seafood vào châu Âu và Mỹ. Năm 2016, toàn Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 2.379 trang trại và doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng 588.715 tấn cá, trong đó đánh bắt trên biển chiếm 301.464 tấn, nuôi cá biển 253.395 tấn và khoảng 33.856 tấn cá nước ngọt.
Biển Đen, Biển Marmara, Biển Aegean và Địa Trung Hải tạo thành các khu đánh bắt chính. Hiện nay, đang mục tiêu đa dạng hóa đối tượng mới như cá biển mới, nuôi ếch, tôm sú và tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá tra và ba sa… phục vụ xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản năm 2016 là 130.701 tấn, đang mục tiêu 500.000 tấn đến 2023.
Nhìn chung, ngành nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trải qua một quá trình tái cơ cấu, đạt được sự hài hòa với các quy định của châu Âu nhằm mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ, nông dân, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ, hệ thống phí bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện, giảm thuế, được hỗ trợ phân bón, giá điện, nhiên liệu diesel, cũng như đào tạo các kỹ thuật nông nghiệp mới nhất. Ngân hàng Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ (Ziraat Bankasi) cung cấp hầu hết các khoản vay cho nông dân và hợp tác xã, phần lớn các khoản cho vay của Ngân hàng Thế giới cho các dự án nông nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ được chuyển qua ngân hàng này.
Cơ hội trao đổi hợp tác với Việt Nam Trong bối cảnh thúc đẩy hợp tác, đầu tư và trao đổi khoa học kỹ thuật giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, trong đó nông nghiệp cũng là hướng chiến lược mà 2 bên hoàn toàn có thể phát triển. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có nền nông nghiệp thâm canh kỹ thuật cao, hướng sản xuất hàng hóa, có các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chịu hạn, kháng bệnh tốt và đặc biệt là mang nhiều gen có khả năng thích nghi với điều kiện nắng nóng. Vì vậy, một số hướng hợp tác tiềm năng như: Thứ nhất, trao đổi nguồn gen giữa các giống bản địa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua lai tạo nhằm cải thiện năng suất cây trồng Việt Nam, thử nghiệm áp dụng một số giống cây trồng, vật nuôi thuộc các vùng có khí hậu nóng của Thổ Nhĩ Kỳ ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận của Việt Nam, thử nghiệm các giống Cheery và nho không hạt ở Thổ Nhĩ Kỳ ở các tỉnh Sapa và Đà Lạt; Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khí hậu tương thích để sản xuất một số loại cây ăn quả miền nhiệt đới của Việt Nam như thanh long - mở ra hướng đầu tư phát triển nông nghiệp; thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ có kỹ thuật nuôi các đối tượng cá biển rất thành công trong khi Việt Nam đang chuyển hướng canh tác biển nhưng gặp cản trở về kỹ thuật, chăm sóc và quản lí; thứ tư, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh giữa hai nước. Với 4 hướng này, việc tăng cường trao đổi, hợp tác về khoa học kỹ thuật, sản xuất và thương mại giữa hai nước trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm tới. (Toàn bộ số liệu được tham khảo từ Viện thống kê Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã