Lợi thế của Hà Nội là có rất nhiều nông sản đặc sản được mệnh danh là “của ngon, vật lạ” như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn Quốc Oai, gà mía Đường Lâm, vịt cỏ Vân Đình… Nhiều nông sản của Thủ đô cũng đã được xây dựng thương hiệu và đang phát huy tốt giá trị như sữa Ba Vì, chè Ba Vì, chè an toàn Bắc Sơn… Bởi thế, việc ứng dụng công nghệ cao nhằm phát huy những lợi thế này được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người nông dân.
Theo báo cáo của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 40 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài những mô hình tiêu biểu nêu trên, có thể kể đến mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ Ðiệp của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Dung và Hợp tác xã Ðan Hoài (huyện Ðan Phượng), mô hình trồng nấm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Ðức), mô hình chăn nuôi lợn rừng và trồng rau hữu cơ bản địa dưới tán rừng (huyện Thạch Thất)… Ðiều đáng chú ý là người dân đã mạnh dạn liên kết góp vốn, góp đất sau khi ruộng đã được dồn đổi, quy hoạch thành vùng sản xuất, đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất sớm đi vào hoạt động ổn định, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao và bước đầu mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Theo Sở NN&PTNN Hà Nội, hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt 25%, trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%... Nhìn chung, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt năng suất cao hơn so với mô hình truyền thống từ 10-12%; hiệu quả kinh tế tăng từ 25 đến 28%...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, một trong những khâu quan trọng mà ngành nông nghiệp Thủ đô cần quan tâm ứng dụng công nghệ cao là chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản. Nhiệm vụ này gắn liền với việc xây dựng các chuỗi liên kết giá trị nông sản từ sản xuất, sơ chế, đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được dán tem, nhãn mác nhận diện rồi mới chuyển tới tay người tiêu dùng.
Các loại hình công nghệ cao được ứng dụng trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội gồm ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, lưới tự động, thủy canh; các loại giống mới năng suất cao nhập khẩu từ nước ngoài; công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống in vitro tạo ra các loại giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng.
Đặc biệt Hà Nội hiện đang áp dụng các công nghệ cảm biến tự động, công nghệ nano trong bảo quản và kéo dài khả năng sử dụng của sản phẩm; công nghệ viễn thám quản lý an toàn nông sản, công nghệ vật liệu mới (nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế, ứng dụng trong mọi thời tiết), năng lượng tái tạo để tạo ra năng lượng ổn định và bền vững cho các trang trại…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, thành phố cần tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp để tăng cường năng suất và chất lượng nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, thương mại hóa các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế và bền vững”.
Bên cạnh đó, để phát huy các lợi thế về nguồn lực khoa học và công nghệ, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, IoT để phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, từ đó tạo ra một nền nông nghiệp thực thụ, đủ sức lan tỏa đến các tỉnh, thành phố xung quanh.
“Hà Nội phải trở thành hình mẫu cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn (kể cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), trước hết để phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô, sau đó là trở thành mô hình điển hình cho các địa phương trong vùng học tập, nhân rộng” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng kỳ vọng.
Mới đây, sau khi tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và mô hình chăn nuôi lợn sinh học của Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Đồng Tâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao 2 mô hình trên và cho rằng đây là những mô hình đầu tư thấp, quy trình đơn giản nhưng cho thu nhập cao, có thể ứng dụng rộng rãi để nhiều hộ dân học tập làm theo. Thứ trưởng đề nghị, TP. Hà Nội nghiên cứu, tạo điều kiện hơn nữa cho nông dân, góp phần nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở NN&PTNT đã xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP. Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giá trị nông nghiệp công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Yên Nghĩa (Hà Đông). Trong đó một phần diện tích dành cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và một phần diện tích giao cho Sở NN&PTNT xây dựng mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Lê Huy/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã