Nói vậy vì từ quốc gia nhập khẩu lương thực, chỉ sau 3 năm thực hiện khoán 10, chúng ta đã có gạo xuất khẩu và từng bước vươn lên nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Không chỉ gạo, nhiều nông sản khác của ta cũng lần lượt chiếm lĩnh thị trường thế giới, như cà phê, hồ tiêu, sắn, rau hoa quả, gỗ và đồ gỗ, tôm, cá tra,… Giá trị xuất khẩu nông sản nói chung chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu cả nước, liên tục thặng dư. Trên nền tảng như vậy mà trong nửa đầu năm 2016 này, ngành tăng trưởng âm, không có đóng góp vào tăng GDP.
Nguyên nhân tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp đã được các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội phân tích, và tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ tại diễn đàn Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Đó là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, biến đổi khí hậu nhanh và khốc liệt trên diện rộng, chất lượng nông sản thấp, giá thành cao, việc quản lý và tổ chức sản xuất chưa đồng bộ với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn…
Thực ra, vấn đề tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã được nhiều đại biểu Quốc hội ở những khóa gần đây đề cập. Theo đó, đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với đóng góp của ngành, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, việc quản lý đầu vào và chất lượng nông sản còn nhiều bất cập, tái cơ cấu chậm, đào tạo nghề cho nhà nông chưa theo thị trường mà mới chú trọng kế hoạch giải ngân, mối liên kết giữa nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học lỏng lẻo, công tác quy hoạch và nghiên cứu cây trồng, vật nuôi cho biến đổi khí hậu chưa theo kịp thực tế, việc tổ chức sản xuất lỏng lẻo khiến nhà nông chạy theo phong trào, công tác xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng, nhà nông tự mình ngụp lặn trong thị trường,… chính là những cảnh báo về sự giảm tốc của ngành nông nghiệp. Dù được chú ý, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên các vấn đề trên chuyển biến rất chậm. Nói chậm bởi những vấn đề đó được nhắc đi nhắc lại không dưới hai lần.
Theo nhiều chuyên gia, năng lượng thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp đã cạn, cần một cú hích mới trong quản lý để thu hút đầu tư, tiếp thêm năng lượng mới cho ngành. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, cú hích tiếp năng lượng phải bắt đầu từ việc cho phép tích tụ ruộng đất. Họ lý giải, chỉ khi ruộng đất là của mình thì người chủ mới đầu tư sâu và mở liên kết để đảm bảo lợi nhuận. Đây là nội dung cốt lõi của Khoán 100 và Khoán 10, cơ chế tạo sức bật cho nông nghiệp Việt 30 năm qua.
Theo Thanh Hiền/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã