Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN Đây cũng là phương pháp sản xuất an toàn để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cả về chính sách lẫn thị trường. Từ nhu cầu có thực…
Cách đây 5 năm, khi mang thai em bé đầu tiên, một người phụ nữ đã bị nghén trong những tháng đầu và chỉ thích ăn rau sống. Để bảo vệ đứa con, cô và gia đình phải “chạy đôn chạy đáo” tìm bằng được nguồn rau an toàn, vì lo sợ nếu ăn sản phẩm chứa nhiều chất kích thích sẽ ảnh hưởng đến em bé sau này.
Từ đó, cô bắt đầu lên mạng tìm hiểu về rau hữu cơ (organic). Đến nay, người phụ nữ này đã trở thành chủ nhân của chuỗi cửa hàng thực phẩm Organica – chuyên kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Tp. Hồ Chí Minh với gần 2 ha đất sản xuất rau củ hữu cơ ở Long Thành (Đồng Nai) đã được chứng nhận quốc tế.
Đó là cơ duyên khởi nghiệp của Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ Mùa, nó cũng như một minh chứng cho thấy nhu cầu bức thiết của người dân về việc sử dụng các nông sản sạch, có nguồn gốc hữu cơ.
Hơn một năm nay, chị Đỗ Kim Oanh ở quận Bình Thạnh là một trong số những khách hàng thường xuyên của một cửa hàng kinh doanh sản phẩm hữu cơ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3). Trung bình mỗi tuần, gia đình chị gồm 4 người nhưng phải mất ít nhất hơn 500.000 đồng chi phí để mua sử dụng rau, thịt được chứng nhận hữu cơ, thay vì 200.000 đồng nếu chỉ mua thực phẩm ở chợ như trước đây.
Chị Oanh chia sẻ, nhà có 2 trẻ nhỏ nên vợ chồng chị muốn sử dụng sản phẩm tốt nhất cho bé. “Đọc báo bây giờ rất lo ngại về thực phẩm bẩn. Vì thế, mặc dù chênh lệch nhiều về giá bán nhưng tôi vẫn mua. Gia đình tôi ít người nên thay vì tiết kiệm cho du lịch thì chúng tôi quyết định chi cho ăn uống.
Ngoài lý do an toàn cao nhất, sản phẩm hữu cơ có sự khác biệt về mùi vị, thơm ngon, ăn thường xuyên rồi thì khó thay đổi”, chị Oanh cho biết.
Giá rau hữu cơ chênh lệch với giá rau thị trường nhưng vẫn khiến người tiêu dùng an tâm. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhu cầu của chị Oanh cũng tương tự nhiều người tiêu dùng đang sử dụng các sản phẩm nông sản hữu cơ.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng, siêu thị có kinh doanh thực phẩm hữu cơ, mặt hàng chủ yếu được bày bán ở đây là rau, củ các loại, vì đây là những sản phẩm thiết yếu trong bữa ăn của người dân và có nguy cơ phơi nhiễm hóa chất rất lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất.
Ngoài ra còn có một số sản phẩm chế biến được điều chế từ nông sản hữu cơ như nước ép, rượu...
Trên thực tế, số người biết đến các siêu thị, cửa hàng có kinh doanh thực phẩm hữu cơ không nhiều. Như chị Lê Thị Tâm (Quận 1) lại lựa chọn hình thức mua hàng qua lời rao bán qua mạng xã hội Facebook.
Do lo ngại vấn đề sử dụng thực phẩm không an toàn, chị Tâm được một người thân giới thiệu mua hàng của một “bà chủ” chuyên kinh doanh các loại rau, củ nhà trồng theo phương thức canh tác hữu cơ.
Dĩ nhiên, những loại rau củ này không có chứng nhận hữu cơ kèm theo, song mức giá chị Tâm phải trả cũng cao hơn so với việc mua hàng trong các siêu thị hay chợ truyền thống kèm theo phí vận chuyển.
Nếu may mắn, chị Tâm mua được sản phẩm ít sử dụng phân bón hóa học, còn không thì vẫn là mất tiền đi mua niềm tin.
… đến tiềm năng lớn về xuất khẩu
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2012, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam bước đầu phát ra những tín hiệu khả quan, nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh.
Số lượng các nhà bán lẻ ngày càng tăng và đang tìm kiếm sản phẩm hữu cơ tươi để cung cấp cho người tiêu dùng thị trường nội địa.
Không những thế, các đối tác nước ngoài cũng đang muốn liên doanh, liên kết với các công ty trong nước để mở trang trại sản xuất hữu cơ ở Việt Nam .
Đặc biệt, nếu doanh nghiệp được chứng nhận hữu cơ bởi Mỹ và châu Âu, sản phẩm sẽ có cơ hội rất lớn tiếp cận hệ thống siêu thị toàn cầu của các Tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.
Với các doanh nghiệp sản xuất hữu cơ có chứng nhận quốc tế, lượng đơn đặt hàng khá dồi dào, thậm chí một số doanh nghiệp không đủ hàng để cung cấp.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Organik Đà Lạt, có một doanh nghiệp đặt công ty 8 container rau mùi tàu hữu cơ mỗi tuần để xuất khẩu vào Nhật Bản nhưng công ty không đủ nguồn hàng để cung cấp. Nếu đáp ứng đủ số lượng của khách hàng, doanh thu từ các sản phẩm rau đạt chuẩn hữu cơ khoảng 500.000 – 1.000.000 USD/ha.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các sản phẩm hữu cơ. Ảnh minh họa: TTXVN
Đơn hàng nhiều, song sản lượng khó đáp ứng vì diện tích nuôi trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiện nay còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn nhất của doanh nghiệp này sau 11 năm bước chân vào lĩnh vực sản xuất hữu cơ.
“Hiện nay chúng tôi mới có hơn 150 sản phẩm hữu cơ như các loại rau, quả, gạo, tôm, cá... Tuy nhiên, khách hàng lại thích nhiều sản phẩm để đảm bảo tính đa dạng của người tiêu dùng”, ông Hùng nói.
Một số doanh nghiệp ở các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Nhật Bản cũng đang ngắm nghía đầu tư, liên kết sản xuất hữu cơ ở Việt Nam . Như Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) đã ký kết hợp tác với một đối tác Đức xây dựng nông trại rộng 1.500 ha để đầu tư nuôi cá, tôm đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhằm cung cấp cho thị trường Đức.
Đại diện Thai Fresh Express (Thái Lan) cho hay, doanh nghiệp này cũng có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam do nguồn cung sản xuất hữu cơ ở nước này không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, để đảm bảo đúng tiêu chuẩn hữu cơ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp này sẽ ủy quyền cho một đơn vị kiểm định độc lập để chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ đối với các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ở các trang trại tại Việt Nam./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã