Tại Diễn đàn kinh doanh Đầu tư nông nghiệp thời TPP diễn ra tại Tp.HCM ngày 21/11, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương, nhận định: Vào TPP, ngành chăn nuôi còn dư địa phát triển trong 10 năm nữa chứ không phải bị thiệt hại như nhiều người lo ngại.
Thách thức lớn từ giá thành
Cụ thể, ông Minh cho biết năm 2015, các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư trên 10 nhà máy thức ăn, chủ yếu thức ăn chăn nuôi cho heo vì nước ta có tổng đàn heo thuộc loại lớn trên thế giới. Hùng Vương đã thâm nhập nghiên cứu sản phẩm ngành chăn nuôi, đầu tư trên 2.000 tỷ để đầu năm 2016 đưa vào công nghệ của Đan Mạch từ sản xuất con giống đến thức ăn. Với công nghệ mới và vốn lớn, giá thành hoàn toàn có thể cạnh tranh được với nước đang phát triển như Đan Mạch.
Trong khi đó, rất nhiều đại diện doanh nghiệp lớn lại lo lắng khi vào TPP. Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH, nhận định, về tổng thể, TPP đem lại lợi ích cho Việt Nam so với các nước khác. Nhưng với ngành nông nghiệp thì ngược lại, đây là ngành chịu thiệt thòi nhiều nhất, có nhiều khó khăn hơn thuận lợi.
Ông Hải cho rằng nếu thuế quan được dỡ bỏ, sản phẩm có lợi thế thương mại tràn vào Việt Nam, thì ngành bò sữa phải đổi mặt với ba cường quốc Mỹ, Australia và New Zealand. Sản phẩm nước ngoài có thương hiệu toàn cầu, còn Việt Nam thì vẫn đang làm với điều kiện, quy chuẩn mù mờ, chưa rõ ràng, minh bạch.
Đại diện TH True Milk cho biết: “Chúng tôi nhận thức đây là thách thức nhưng các nước mạnh về sản phẩm sữa có khó khăn khi vận chuyển sữa tươi và các sản phẩm sữa chế biến khác vào Việt Nam, vận chuyển sữa bột thì tương đối dễ. Doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng điểm này để khắc phục các điểm yếu khác của mình”.
Ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, lại cho rằng với thực tiễn đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trong khi Australia và New Zealand có trang trại hàng nghìn và hàng chục hecta nên giá thành rẻ. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu nhiều chi phí chăn nuôi cao hơn, chi phí vận chuyển gồm cả chi phí chính thức và không chính thức, chi phí vốn. Do vậy, Hoàng Anh Gia Lai đã phải chọn con đường phù hợp là đầu tư sang Lào và Campuchia để có diện tích đất đủ rộng, triển khai cơ giới hóa và tự động hóa; tạo liên kết chuỗi.
“Chi phí chở một con bò từ Tây Nguyên xuống Tp.HCM lên tới 4 triệu đồng/con, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức. Chi phí cao như vậy thì không có cửa cạnh tranh khi vào TPP. Tuy nhiên, việc nhập khẩu bò Úc hoặc Mỹ cũng có bất lợi do chi phí vận chuyển một con bò Úc sống về hết khoảng 350 USD/con, nên chăn nuôi vẫn còn lợi thế cạnh tranh”, ông Võ Trường Sơn cho biết thêm.
Cần tạo đột phá để phát triển
Theo đại diện của công ty CP Vinamilk, chi phí cao hay không tùy thuộc vào mô hình ứng dụng của doanh nghiệp. Trong thời gian sắp tới, Vinamilk sẽ nhập khoảng 400 con bò sữa về Việt Nam và ứng dụng công nghệ để có năng suất cao hơn. Hiện, trang trại của Vinamilk và TH đều có năng suất 38 – 40 lít/ngày/con, hoặc trang trại đầu tư bài bản cũng là 25 – 26 lít/ngày/con, cho nên người nông dân cần được hướng dẫn, có điều kiện tốt, có kiến thức khoa học tốt thì sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đại diện của Vinamilk cũng cho rằng, với mô hình liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân nhỏ, cần liên kết tạo chuỗi giá trị để khắc phục những vấn đề phát sinh. Khi có liên kết, sẽ tạo nguồn lực và cơ sở chung của hai bên để cùng phối hợp, nâng cao chuỗi giá trị.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước TPP có nhiều tiềm năng, nhất là mặt hàng rau quả và rau quả chế biến. Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, gạo, cây công nghiệp cũng rất có lợi thế khi thuế xuất khẩu sang các nước TPP sẽ sớm giảm mạnh.
“Vào TPP, điều quan trọng nhất là phải thay đổi thể chế. Hội nhập TPP, nông nghiệp có rất nhiều thách thức mà nhiều nhất là trong ngành chăn nuôi. Thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cho dù thuế về 0, doanh nghiệp không đảm bảo được yếu tố này thì các nước cũng không đồng ý tiếp nhận nông sản Việt”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cảnh báo.
Chúng ta cần xây dựng chương trình Xây dựng nông thôn mới, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong tất cả các khâu chọn giống, canh tác, bảo quản, chế biến, phân phối và tiêu thụ… Đồng thời, hình thành vùng sản xuất lớn, tạo mối liên kết, gắn kết chặt chẽ các công đoạn và đảm bảo phân phối lợi ích hợp lý, hướng tới chất lượng, giá cả phụ thuộc vào quan hệ cung cầu.
Lê Thuận
http://www.stockbiz.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã