Đánh giá về kết quả của Thành phố Hà Nội sau 4 năm XDNTM, ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho hay, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân và các hộ nông dân nên Chương trình xây dựng NTM thực sự đi vào cuộc sống.
Ông Lê Thiết Cương nhận định, Hà Nội bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến tháng 9 năm 2014 (không tính huyện Từ Liêm), toàn thành phố có 38/386 xã đạt chuẩn NTM, 178 xã đạt và cơ bản đạt từ 14-18 tiêu chí; 129 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí; 41 xã đạt và cơ bản đạt từ 5 - 9 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp và hoàn thiện. Năm 2013, Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 231 triệu đồng/ha, tăng 100 triệu đồng so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,37 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 3,3%...
Để có được những thành quả mà Hà Nội đã đạt được trong xây dựng NTM, cũng là cả một hành trình khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là Hà Nội có địa bàn rộng lớn với 401xã khi lập đề án, nay còn 386 xã sau khi huyện Từ liêm nhờ có 12/15 xã xây dựng thành công NTM đã góp phần để huyện được thành lập 2 quận (quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm). Trong đó có tới 43 xã vùng đồi gò và 14 xã miền núi, sự phát triển không đồng đều giữa các xã là một trở ngại không hề nhỏ. Khó khăn tiếp theo liên quan đến đặc thù của một thành phố lớn, của Thủ đô là một số xã nằm hoàn toàn hoặc có một phần diện tích trong quy hoạch phát triển đô thị.
Để tháo gỡ khó khăn đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương ngay từ khâu quy hoạch NTM đã phải tính toán các phương án, đưa ra tiêu chí để phù hợp với quy hoạch đô thị. Tạo hành lang để triển khai các đề án và cũng tránh tình trạng phân tán nguồn lực và đầu tư lãng phí. Tiếp đến công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân về NTM. Đội ngũ lãnh đạo từ huyện tới xã, thôn được tập huấn bài bản về chương trình này. Thành phố cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ các địa phương, đồng thời coi đây là tiêu chí đánh giá năng lực các bộ cơ sở.
Trường mầm non xã Thọ Lộc, Phúc Thọ. Ảnh Tư liệu
Đột phá từ dồn điền đổi thửa
Xác định đây là khâu đột phá để triển khai thành công Chương trình XDNTM, trực tiếp hỗ trợ tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao đời sống nhân dân, nên công tác DĐĐT được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Sau 3 năm với nhiều nỗ lực không mệt mỏi, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) ( tính đến hết quí III năm 2014 đã đạt 97,11%, với 74.158,21/76.365 ha).
Ông Lê Thiết Cương cho rằng, từ việc chọn khâu đột phá là dồn điền đổi thửa (DĐĐT), hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành đã giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Để thực hiện tốt công tác này, thành phố hỗ trợ toàn bộ kinh phí hội họp của cơ sở để thống nhất toàn dân đối với phương án DĐĐT, kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy định của Nhà nước, kinh phí mua vật tư để cứng hóa giao thông, thủy lợi nội đồng... Đồng hành với DĐĐT, là ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng đáp ứng tiêu chí NTM.
DĐĐT thành công, nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ ruộng đất hiệu quả cao đã và đang liên tục ra đời ở Hà Nội như: Mô hình sản xuất hoa, rau an toàn, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản... Cũng nhờ DĐĐT, công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập của người nông dân và góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp.
Không chỉ giúp hình thành các cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cười cơ giới hóa trong nông nghiệp, DĐĐT còn giúp Hà Nội có thêm quỹ đất lên tới 1.477,66 ha đất dôi dư, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đánh giá rất cao về lợi ích này bởi, để có được 1.477,66 ha đất này, bình thường thành phố sẽ phải chi khoảng 14.776 tỉ đồng mới có thể thu hồi được diện tích tương tự, thậm chí còn rất gian nan.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã