Sáng tạo khơi nguồn lực
Là xã điểm xây dựng NTM của Trung ương, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) triển khai từ năm 2009. Ông Nguyễn Văn Tuần – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, khi đó chúng tôi có nhận thức là xã làm điểm thì sẽ được Trung ương đầu tư. Bởi vậy cứ làm quy hoạch tốt sau đó Trung ương sẽ cấp kinh phí. Cho nên, giai đoạn đầu xã cũng chưa quan tâm đến huy động sức dân. Sau khi tính toán, xã lập dự toán nguồn vốn khoảng 127 tỷ để đầu tư các công trình hạ tầng. Lập dự án và chờ vốn, đã khiến Hải Đường như bị hụt hơi. Chỉ đến khi huyện Hải Hậu đúc kết kinh nghiệm, phát động phong trào xây dựng NTM từ các xóm và hộ gia đình, với tinh thần tự lực, phát huy nội lực thì mọi khó khăn, lúng túng của Hải Đường mới được tháo gỡ.
Ông Đoàn Hồng Phong – Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Bí thư Tỉnh ủy nhận định: Việc huyện Hải Hậu lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở, gia đình là hạt nhân của cuộc vận động xây dựng NTM thực sự là cách làm hay, thể hiện được nhận thức sâu sắc đối với Chương trình xây dựng NTM và sự vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh vào điều kiện thực tế ở nông thôn.
Cách làm từ Hải Hậu, cũng chính là quan điểm của tỉnh Nam Định khi xác định: Chương trình xây dựng NTM trước hết là làm cho người dân nông thôn và vì người dân nông thôn. Mỗi người dân, hộ gia đình, công đồng dân cư nông thôn phải là chủ thể. Trong xây dựng NTM, nhân dân làm là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ. Các xã, các thôn xóm và người dân nông thôn phải chủ động, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời không nóng vội chạy theo thành tích.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Phùng Hoan - Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng: Để xây dựng NTM đạt được kết quả thực chất và bền vững và để có đủ nguồn lực xây dựng NTM, trong điều kiện sự hỗ trợ của Nhà nước có hạn, thì công tác tuyên truyền vận động có vai trò hết sức quan trọng. Bởi các nội dung xây dựng NTM đều phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân theo nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thưởng thụ”. Muốn có sự đồng thuận cao và sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng, trước hết từng người dân, hộ gia đình, thôn xóm phải “thông” về tư tưởng và ủng hộ.
Việc đúc kết kinh nghiệm cùng với sự chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt đã đem lại cho NTM Nam Định những thành công nổi bật. Đến nay, tỉnh đã có 89 xã đạt 19 tiêu chí xã NTM chiếm 43% (so với tổng số xã của tỉnh), trong đó có 65 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,83 tiêu chí/xã tăng 10 tiêu chí/xã so với năm 2010, không còn xã nào đạt dưới 7 tiêu chí. Tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt 10.253 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 368 tỷ đồng, Vốn ngân sách địa phương 2.229 tỷ đồng, Vốn huy động cộng đồng: 1.653 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn khác. Ngoài ra, các hộ nông dân đã góp 2.851 ha đất nông nghiệp (tương đương 5.717 tỷ đồng), hiến được 206ha đất thổ cư (tương đương trên 1.000 tỷ đồng).
Thắp lửa cho phong trào thi đua
Câu chuyện xây dựng NTM ở Nam Định không chỉ diễn ra ở các xã điểm mà trở thành phong trào rộng khắp trên mỗi xóm, thôn trong toàn tỉnh. Thổi bùng lên ngọn lửa ấy chính là những chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời của tỉnh trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM’’.
Hàng năm, Nam Định phải nhận điều tiết ngân sách Trung ương tới 70%. Trong điều kiện sự hỗ trợ của Trung ương đối với chương trình xây dựng NTM của tỉnh còn hạn chế, tỉnh Nam Định với quyết tâm cao, trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ các chương trình phát triển nông thôn giai đoạn 2001-2010, đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo; kiên trì, thực hiện nhất quán phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Quá trình triển khai đã lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp và ban hành kịp thời các quy định huy động, sử dụng, quản lý vốn xây dựng NTM và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, khen thưởng.
Cơ giới hóa nông nghiệp tại xã Nam Điền, huyện Nam Trực (tư liệu)
Cụ thể là ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 10 tỷ đồng cho mỗi xã điểm, 8 tỷ đồng cho mỗi xã tham gia xây dựng NTM trong giai đoạn 2010-2015. Ngoài cơ chế khen thưởng của Trung ương, tỉnh Nam Định thưởng cho xã đạt chuẩn NTM năm 2013: 2 tỷ đồng/xã, năm 2014: 1,5 tỷ đồng/xã, năm 2015: 1 tỷ đồng/xã; huyện đạt chuẩn NTM được thưởng 3 tỷ đồng,… từ đó đã tiếp thêm động lực cho các địa phương và người dân.
Không chỉ có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mà nông thôn mới đã thực sự là việc của người dân với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt. Khi tổng kết phong trào thi đua, toàn tỉnh Nam Định có 419 hộ gia đình, cá nhân góp trên 350m2 đất nông nghiệp, 85 hộ gia đình, cá nhân hiến đất thổ cư từ 150m2 trở lên, 19 cá nhân ủng hộ tiền mặt từ 2 tỷ đồng trở lên, 8 doanh nghiệp ủng hộ tiền từ 5 tỷ đồng trở lên… Phong trào đã tạo nên bước chuyển lớn về tư duy và nhận thức của cán bộ và nhân dân đối với NTM.
Đột phá từ dồn điền đổi thửa
Khi xây dựng NTM, đồng thời với việc ban hành các cơ chế, chính sách, Nam Định cũng tập trung chỉ đạo các địa phương lựa chọn cách làm và bước đi phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trong đó nổi bật là việc xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá và đã thực hiện thành công. Các huyện đã chỉ đạo các xã tập trung làm tốt công tác xây dựng phương án, tuyên truyền, vận động các hộ nông dân dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng và đóng góp đất xây dựng các công trình NTM. Toàn tỉnh Nam Định có 200/204 xã, thị trấn thuộc 9 huyện với tổng số 3.009 thôn, đội triển khai thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Đến nay, toàn tỉnh có 184 xã, thị trấn, 2.953 thôn, đội hoàn thành đã hoàn thành dồn điền đổi thửa. Các huyện thực hiện tốt dồn điền đổi thửa là Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường.
Dự án trồng khoai tây sạch bệnh tại Nam Định (tư liệu)
Thông qua dồn điền đổi thửa, nhân dân các địa phương đã góp được 2.851 ha đất, tạo thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng NTM; đồng thời đồng ruộng, kênh mương, giao thông nội đồng được chỉnh trang, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất. Quỹ đất công được quy gọn, số thửa của mỗi hộ cũng giảm bình quân từ 4 thửa xuống còn 1 - 2 thửa/hộ.
Sau dồn điền đổi thửa, hầu hết các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch từng bước tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn hình thành các vùng sản xuất tập trung. Các địa phương đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống theo hướng chất lượng và giá trị; phát triển chăn nuôi hàng hóa trang trại, gia trại tập trung; nuôi trồng thuỷ sản chuyển mạnh sang nuôi thâm canh... Từ đây, Nam Định bắt tay thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Phùng Hoan - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Hiện nay, tiến đang hành rà soát, đánh giá tổng kết các mô hình liên kết theo chuỗi hiện có, từ đó đề xuất các cơ chế chính sách để hoàn thiện và mở rộng các mô hình này. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp là chủ thể, chính quyền các cấp giữ vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng... nhằm đổi mới nền nông nghiệp Nam Định theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây chính là nền tảng để Nam Định xây dựng NTM hiệu quả, bền vững.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã