Thành công từ khâu quán triệt, triển khai Nghị quyết...
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 ngày 28.4.2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tính đến thời điểm hết năm 2015 toàn tỉnh có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; có 1 xã đạt 17 tiêu chí; có 25 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; có 121 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; cảnh quan môi trường, bộ mặt nông thôn, đời sống người dân đã có bước chuyển biến tích cực...
Để có được kết quả trên, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 04, các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ các huyện, thành phố đã ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình thực hiện và tổ chức các Hội nghị quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết bằng nhiều hình thức tới cán bộ, đảng viên, hội viên, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Toàn tỉnh có 100% cấp ủy Đảng tổ chức quán triệt Nghị quyết với gần 98% đảng viên tham gia học tập, qua đó giúp cho các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân nắm được những nội dung cơ bản của Nghị quyết, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết đối với lĩnh vực xây dựng NTM. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo đã chủ động tham mưu, ban hành nhiều loại văn bản về tổ chức thực hiện xây dựng NTM. Các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh hàng năm đều được rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn. Hàng năm, các đồng chí trong Thường trực Ban chỉ đạo, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh đều thực hiện công tác kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các huyện, thành phố; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM tại các xã nằm trong kế hoạch hàng năm, đồng thời trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở... Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh thông qua Chương trình số 115 ngày 11/10/2011 của UBND tỉnh về triển khai phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM tỉnh Hà Giang”; Chương trình số 09 của UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “Quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn I trong năm 2014 – 2015 tỉnh Hà Giang”. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo thành một phong trào thi đua rộng khắp trong xây dựng NTM; 100% huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua, thực hiện ký kết giao ước thi đua với 176 xã; 100% các xã trên địa bàn đều tổ chức ký kết giao ước thi đua với thôn bản và hộ gia đình...
Xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả...
Qua 5 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo điểm nhấn trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Điển hình như: Huyện Vị Xuyên có Kế hoạch triển khai với chủ đề “Huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, tổ chức lại sản xuất, làm đường giao thông” và chỉ rõ 15 việc của xã, 16 việc của thôn và nhân dân trong Chương trình xây dựng NTM; mô hình Hội đồng quản lý và phát triển thôn ở xã Việt Lâm (nay là HTX sản xuất dịch vụ Nông, lâm nghiệp toàn thôn Chang, xã Việt Lâm); thành phố Hà Giang ban hành và triển khai thực hiện “Chín việc của hộ gia đình, bảy việc của thôn, tám việc của xã”; huyện Quang Bình với chủ đề “Một trọng tâm, ba đột phá, ba xã điểm, một làng mới, mỗi thôn gắn với chương trình 5 cây”; huyện Bắc Quang có mô hình quản lý “Thôn tự chủ, tự quản”; huyện Xín Mần với mô hình “Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp”; huyện Hoàng Su Phì phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động...
Công tác lập quy hoạch NTM tại các xã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tương đối nghiêm túc. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại gắn với phát triển đô thị; tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời các địa phương huy động sức dân vừa với khả năng của từng vùng, đảm bảo hài hòa với các nhiệm vụ khác; phong trào hiến đất, hiến công và ủng hộ bằng tiền để triển khai việc xây dựng NTM được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia, bước đầu đã có tác động và tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và một số bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân để xây dựng NTM. Cụ thể, đến hết 2015 toàn tỉnh đã có 14/176 xã đạt tiêu chí nông thôn bằng 8%; 94/176 xã đạt tiêu chí thủy lợi bằng 53,4%; có 46/176 xã đạt tiêu chí số 4 “Điện nông thôn” bằng 26%; có 23/176 xã đạt tiêu chí trường học bằng 13,8%; 15/176 xã đạt chuẩn cơ sở vật chất văn hóa; 50/176 xã hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn bằng 28,4%; 113/176 xã đạt tiêu chí Bưu điện; 108/176 xã hoàn thành tiêu chí về y tế bằng 61,3%. Việc củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định trong xây dựng NTM. Trong 5 năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hành động, kế hoạch, đề án..., nhằm tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thu nhập cho người dân. Thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tạo thu nhập cao, ổn định được hình thành, phát triển và nhân rộng; nhiều hợp đồng liên doanh, liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp được thực hiện. Cụ thể đã triển khai thực hiện trên 568 mô hình phát triển kinh tế, nhiều xã đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ... Bên cạnh việc phát triển các mô hình sản xuất, nhiệm vụ tái cơ cấu, đổi mới quy mô sản xuất được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đến nay đã có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất như việc thành lập các tổ quản lý điều hành sản xuất tại thôn, bản, phát triển các Nhóm sở thích, Tổ hợp tác, HTX sản xuất nông – lâm nghiệp – dịch vụ..., việc ban hành các cơ chế, chính sách, có cách làm và cơ chế điều hành sáng tạo và hiệu quả của tỉnh trong lĩnh vực phát triển sản xuất và tạo thu nhập cho người dân làm cho đời sống của người dân tiếp tục được ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, góp phần nâng cao tổng thu nhập bình quân đầu người đến 2015 tăng 8,86 triệu đồng so với năm 2010 và đã có 90/176 xã đạt tiêu chí “Hình thức tổ chức sản xuất”. Việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền và tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn và đoàn thể tại các xã đã được bố trí, sắp xếp đầy đủ trong hệ thống chính trị tại cơ sở. Đến nay đã có 132/176 xã hoàn thành tiêu chí số 18 “Hệ thống chính trị” đạt 75%. An ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững và ổn định; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội được kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi góp phần đảm bảo môi trường thuận lợi cho xây dựng NTM...
Theo Báo Hà Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã