Xây dựng cánh đồng lớn
Sau khi tái lập huyện Hồng Dân vào ngày 15-10-2000, điều kiện tự nhiên của huyện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt kết cấu hạ tầng nông thôn còn hạn chế, trình độ chuyên môn, kỹ thuật trong sản xuất của người dân còn thấp, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư sản xuất, từ đó làm cho nền nông nghiệp của huyện luôn gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ áp dụng một cách hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đưa vào sản xuất trên cả 2 vùng sinh thái, nên đến nay đã có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định cho nông dân trên 50 triệu đồng/ha/năm; tổng sản lượng lúa hàng năm đạt trên 219.700 tấn/năm, thủy sản đạt 32.400 tấn/năm.
Trong đó, đối với vùng nước ngọt, ổn định sản xuất lúa đã được huyện chú trọng bằng cách áp dụng thành công quy trình sản xuất 3 giảm 3 tăng, 5 giảm 1 phải, IPM, mô hình tiết kiệm nước, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng lúa... Tính đến nay, huyện đã hoàn thành 28 công trình cống đập ngăn mặn kiên cố, xây dựng được 160 ô đê bao khép kín với diện tích sản xuất hơn 7.421ha, hình thành 5 trạm bơm điện tập trung, xây dựng nhiều cánh đồng lớn với diện tích từ 200-300ha/cánh đồng.
Còn đối với vùng chuyển đổi có diện tích sản xuất hơn 23.117ha (đất hoang hóa, nhiễm phèn/mặn cao), cũng đã được huyện quy hoạch hoàn thành cơ bản các hạng mục hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc tháo chua, rửa mặn bằng các tuyến 3 vượt cấp, hệ thống thủy lợi thủy nông nội đồng luôn được nạo vét thường xuyên. Ngoài ra, huyện cũng đã liên kết với nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh nghiên cứu chuyển giao nhiều mô hình sản xuất phù hợp cho vùng này như mô hình tôm lúa, cá chình, cá bóng, cá sấu, tôm càng xanh...
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa. Ảnh: MINH LUÂN |
Một trong những điểm nổi bật của vùng chuyển đổi này là về giống lúa mùa "Một bụi đỏ Hồng Dân" là giống lúa chủ lực đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ quyết định công nhận chỉ dẫn địa lý toàn quốc vào tháng 6-2008. Đặc biệt, năm 2016 này các HTX nông nghiệp đã sản xuất lúa "Một bụi đỏ Hồng Dân" theo tiêu chuẩn VietGAP và được DN bao tiêu thu mua cao hơn so với giá thị trường 15%.
Bà Nguyễn Hồng Hoa, quyền Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết dù lĩnh vực nông nghiệp có hướng phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn có một số khó khăn nhất định như do tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân ngày một gay gắt. Để thực hiện có hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Huyện ủy Hồng Dân đã ban hành Nghị quyết 02, ngày 24-10-2016 về việc phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Hồng Dân cần tập trung tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, chọn giống cây trồng, vật nuôi để thích ứng các điều kiện của biến đổi khí hậu khi độ mặn cao và khô hạn; xây dựng cánh đồng lớn ở cả 2 vùng ngọt-mặn. Đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các quy định về ô nhiễm môi trường trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong chăn nuôi, xử lý chất thải nông nghiệp. Đẩy mạnh mô hình nuôi tôm sạch và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, huyện còn phải tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt từ trong nội bộ Đảng đến các ngành, các cấp, DN, cán bộ và Nhân dân trong huyện nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Có thể thấy, Hồng Dân bây giờ xuất hiện nhiều trang trại gia cầm, gia súc, các đầm thủy hải sản... Nghề nông, kinh tế nông nghiệp đã và đang được huyện đẩy mạnh phát triển một cách căn cơ và bền vững.