Tiềm năng lớn
Theo Tổng cục Thủy sản, nước ta có tiềm năng lớn về nuôi biển. Diện tích có khả năng sử dụng phát triển nuôi biển bao gồm các vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển hở.
Tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo của nước ta khoảng 244.190ha. Trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300ha (chiếm 62% diện tích có khả năng nuôi biển); diện tích nuôi vùng vũng, vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha (33%); nuôi vùng biển hở 11.100ha (5%).
Mặc dù nuôi biển liên tục phát triển trong những năm qua, nhưng diện tích đã nuôi còn khiêm tốn. Đến năm 2015, diện tích nuôi biển cả nước mới đạt 40.102ha, sản lượng 308.587 tấn (nhuyễn thể 269.161 tấn; cá biển khoảng 30.000 tấn; tôm hùm 1.500 tấn…). Như vậy, tiềm năng để đẩy mạnh, phát triển nuôi biển còn lớn.
5 đối tượng nuôi biển chính hiện nay là cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, cua ghẹ và rong biển. Năm 2016, diện tích cá biển nuôi ao/đầm đạt 6.300ha và 1.164.643m3 lồng, sản lượng 28.293 tấn. Các loài cá nuôi phổ biến nhất là cá song (chiếm xấp xỉ 50%), cá giò (30%) và cá vược (7 - 8%).
Nhuyễn thể đang được nuôi trên diện tích 47.129ha (năm 2016), chủ yếu là nuôi bãi, sản lượng 294.472 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là nghêu Bến Tre, ngao đầu, ngao vân, vẹm xanh, ốc hương, sò huyết, sò lông, tu hài, hàu cửa sông, hàu Thái Bình Dương… Ngao/nghêu chủ yếu nuôi ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và Nam bộ; sò lông, sò huyết nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển, nhưng tập trung nhiều ở Kiên Giang và Vịnh Bắc Bộ; hàu được nuôi nhiều ở vùng cửa sông các tỉnh, TP như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Đến năm 2016, đã có 58.990 lồng nuôi tôm hùm, với sản lượng đạt hơn 1.300 tấn. Còn cua, ghẹ được nuôi ghép với các loài khác nên diện tích tính chung khá lớn, lên tới hơn 220 ngàn ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Rong biển được trồng chủ yếu ở khu vực biển Nam Trung bộ, với diện tích 10.150ha, sản lượng 101.000 tấn.
Thị trường rộng mở
Sản phẩm từ nuôi biển đã tham gia vào XK thủy sản từ nhiều năm nay. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, cá nuôi biển đã được XK sang 50 thị trường như Mỹ, Úc, Hồng Kông, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc…, với tổng giá trị trên 35 triệu USD năm 2015. Cá chẽm, cá mú, cá chim và cá cam là 4 loại cá nuôi được XK nhiều nhất, chủ yếu dưới dạng cá tươi và đông lạnh. Trong đó, XK cá chẽm đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và ổn định, cá chim được XK nhiều sang các nước châu Á và Trung Đông, cá mú XK nhiều sang Hồng Kông, Singapore, Mỹ và một số nước châu Âu.
XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (chủ yếu từ sản phẩm nuôi) trong những năm gần đây cũng đang tăng trưởng khả quan với danh số trên dưới 80 triệu USD/năm (6 tháng đầu năm 2017, XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đạt 50,5 triệu USD; tăng 23,6% so cùng kỳ 2016). Nghêu và sò điệp là sản phẩm chế biến XK chủ lực, chiếm 70%. Thị trường chính của nhuyễn thể 2 mảnh vỏ là EU, Nhật Bản, Mỹ… Tại các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia, Việt Nam đang là nhà cung cấp số 1 về sò điệp chế biến và là nhà cung cấp số 2 ở Nhật Bản, Mỹ.
Giá trị XK cua ghẹ hiện vào khoảng 110 - 130 triệu USD/năm, với 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU (chiếm gần 87% tổng giá trị XK). Ngoài ra, XK các loại ốc nuôi (ốc hương, ốc gạo, ốc len, ốc cà na…) cũng đã thu về 4,6 triệu USD…
Điều đáng chú ý là nhu cầu NK của phần lớn các mặt hàng hải sản đã nuôi nói trên vẫn đang tăng lên. Ông Hòe cho hay, nhu cầu cá biển tại các thị trường Mỹ, Úc… vẫn cao. Việt Nam đang có ưu thế về sản phẩm nghêu, sò điệp chế biến tại các thị trường châu Âu. Đồng thời có thể đẩy mạnh XK cua ghẹ sang thị thị trường Mỹ, duy trì ổn định tại các thị trường châu Á.
Còn theo ông Matt Brooker, GĐ Phát triển Kinh doanh của Cty Fishin (nhà cung cấp hải sản hàng đầu ở Mỹ), hiện nay, tiêu thụ cá đánh bắt ở Mỹ đang nhỉnh hơn một chút so với cá nuôi (51% so với 49%), nhưng đến năm 2030, tiêu thụ cá đánh bắt chỉ còn 38%, trong khi cá nuôi tăng lên 62%. Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho việc tiêu thụ cá nuôi đang ngày càng tăng lên là các nhà bán lẻ rất lo ngại việc bị thiếu hụt nguồn hàng, mà cá đánh bắt không thể đảm bảo được tính ổn định của nguồn hàng do ảnh hưởng của mùa vụ, thu hoạch. Nguồn cung không ổn định cũng khiến cho cá đánh bắt thường biến động lớn về giá cả, gây khó khăn cho nhà kinh doanh. Vì vậy, các nhà bán lẻ đang có xu hướng tìm kiếm nguồn cung và giá cả tương đối ổn định ở các sản phẩm nuôi.
Gần 5 triệu tấn vào năm 2030?
Như đã nói ở trên, do diện tích nuôi biển ở nước ta còn khiêm tốn so với tiềm năng, nên sản lượng nuôi biển đến năm 2016 mới đạt xấp xỉ 300.000 tấn. Vì vậy, để thúc đẩy, phát triển nghề nuôi biển, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đã đề ra chiến lược khởi nghiệp nuôi biển.
Cụ thể: Phát triển nuôi biển quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thân thiện với sinh thái và môi trường biển, đảm bảo phát triển bền vững; phát triển đồng thời nuôi trên biển và nuôi cá biển trên đất liền; phát triển chuỗi giá trị hoàn thiện cho các sản phẩm nuôi biển, từ con giống đến thực phẩm tiêu dùng; phát triển thị trường XK và nội địa; liên kết chặt chẽ giữa DN và các đơn vị nghiên cứu - phát triển… Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, mục tiêu là đến 2020 sẽ đưa sản lượng nuôi biển lên 4,7 triệu tấn vào 2030.
Cái cần ở Việt Nam hiện nay là một kế hoạch phát triển nghề nuôi biển ở tầm quốc gia và những chính sách khuyến khích nuôi biển, thu hút vốn đầu tư vào nuôi biển. Bên cạnh đó là việc khắc phục những yếu kém, hạn chế trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y phục vụ nuôi cá biển…
>> Theo các chuyên gia thủy sản, hiện nay, trên thế giới, đã có nhiều công nghệ lồng, bè có khả năng chịu sóng gió, giúp cho nuôi giảm thiểu rủi ro bởi thiên tai để nuôi biển đạt hiệu quả cao. Thậm chí đã có cả công nghệ để nuôi cá biển trên đất liền. Công nghệ sản xuất thức ăn phù hợp với nuôi biển cũng đã có. Những công nghệ này có thể nhập khẩu và áp dụng vào sản xuất ở Việt Nam. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã