Là một trong những người nuôi hươu nhiều nhất xã, hiện gia đình anh Đinh Văn Hạnh ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan đang nuôi trên 60 con hươu. Hàng năm trang trại nuôi hươu của anh bán ra trên 20 kg nhung hươu và hàng chục con hươu giống.
Trước kia, anh gia đình anh Hạnh cũng như bao hộ khác trong xã, mọi thu nhập đều trông hết vài sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà nhỏ lẻ. Năm thuận được mùa, không dịch bệnh thì coi như đủ ăn, chứ sao mong làm giàu. Trong một lần tình cờ biết đến mô hình nuôi hươu lấy nhung cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hạnh về bàn bạc với vợ con, sau đó quyết định bán trâu bò và vay mượn thêm để mua 2 cặp hươu giống về nuôi thử nghiệm.
Nhờ nuôi hươu lấy nhung mà mỗi năm gia đình anh Hạnh lãi hơn 200 triệu đồng.
Khởi nghiệp từ 4 con hươu làm vốn, dần dần anh Hạnh nhân đàn hươu lên với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Sau gần 16 năm gắn bó với nghề nuôi hươu, đến nay quy mô nuôi loài động vật có nguồn gốc hoang dã này của của gia đình anh Hạnh đã lên tới hơn 60 con. Trong đó, đàn hươu đực luôn duy trì trên 40 con và trên dưới 20 hươu cái để sinh sản.
Với số hươu trên, trung bình hàng năm trang trại của anh Hạnh bán ra thị trường trên 20 kg nhung với giá dao dộng từ 1,8-2 triệu đồng và hàng chục con hươu giống. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình anh còn lãi hơn 200 triệu đồng.
Hươu nuôi tại gia đình nhà anh Hạnh. Ảnh: Phạm Hường (Hội ND tỉnh Ninh Bình).
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình, anh Hạnh tâm sự, để có được như ngày hôm nay gia đình anh phải trải qua những thời điểm cực kì khó khăn, tưởng chừng như phải bỏ nghề và chấp nhận thua lỗ.
“Đầu năm 2002, tôi phải bán trâu bò và đi vay mượn khắp nơi mới đủ 36 triệu để mua 2 cặp hươu về nuôi, nhưng trong quá trình đi kiếm lá cây về cho hươu ăn không may một lần lá cây đó bị nhiễm thuốc trừ sâu nên hươu bị ngộ độc và bị chết mất một đôi. Lúc đó buồn chán lắm, dành dụm vay mượn mãi mới đi mua về được vậy mà chỉ mất trong giây lát cặp hươu mấy chục triệu chết tức tưởi. Thời điểm đó, có lúc tôi chán muốn bỏ nghề” anh Hạnh nhớ lại.
Hươu là động vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là lá cây và rau cỏ các loại, đặc biệt chúng rất thích ăn lá cây có nhiều nhựa.
Theo anh Hạnh, hươu với dê có khẩu phần thức ăn gần giống nhau nhưng nuôi hươu còn dễ hơn nuôi dê mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Một năm hươu đực cho nhung một lần, thời kì thu hoạch nhung bắt đầu từ tháng 12 năm nay cho đến tháng 5 năm sau. Trung bình một con hươu đực trưởng thành mỗi năm cho được khoảng 6 lạng nhung.
Anh Hạnh chia sẻ: ““Nhờ thu nhập từ bán nhung, bán hươu giống của đàn hươu 60 con này, mỗi năm gia đình tôi cũng có lãi lên đến trên 200 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng rau, nuôi lợn, nuôi trâu như ngày trước… thì giá trị kinh tế gấp hàng chục lần. Nhờ con hươu mà gia đình tôi khá lên, mà nuôi con này cũng chắc ăn, dễ nuôi, dễ bán, chi phí thức ăn thấp… nên cũng dễ làm.”.
Nhờ nuôi hươu bán nhung, bán hươu giống mà gia đình anh Hạnh xây được căn nhà khang trang. Ảnh: Phạm Hường (Hội ND tỉnh Ninh Bình).
Nói thêm về tác dụng của nhung hươu, anh Hạnh cho hay, hiện nay người ta đã phân tích được thành phần hóa học của nhung hươu nai, gồm canxi cacbonat, canxi phosphas, chất keo, protid, kích tố (testosteron, pentocrin...), acid amin (hơn 17 loại). Theo Tây y, nhung hươu giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày - ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid.
Còn theo y học cổ truyền, nhung hươu có tác dụng sinh tinh, bổ tủy, ích huyết; chữa các chứng hư tổn cơ thể, di tinh, liệt dương, vô sinh, bệnh lậu, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ... Từ lâu đời, các thầy thuốc Đông y của Trung Quốc và Nhật Bản đã dùng nhung như vị thuốc bổ, giúp cơ thể lâu già, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp.
Chuồng traị nuôi hươu khá đơn giản nên chi phí về chuồng trại rất thấp.
Nói về đầu ra cho sản phẩm nhung hươu và hươu giống, anh Hạnh cho rằng: “Có thể nói, nhung hươu chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, do nhung mọc trong thời kỳ dương khí vượng nên phù hợp cho những người mắc vấn đề về sinh lý, cần tăng cường sinh lực. Sản phẩm nhung hươu làm ra luôn dễ bán, thậm chí có thời điểm còn không đủ hàng để cung cấp cho khách”.
Nghề nuôi hươu có tiềm năng lớn, mang lại nguồn thu không nhỏ, phù hợp với những hộ ít đất nông nghiệp, tuy nhiên, theo anh Hạnh giá thành con giống khá cao, sau 2-3 năm mới có thu. Nếu có vốn đầu tư thì nuôi hươu có ưu điểm là nguồn thức ăn dồi dào, rất sẵn ở nông thôn như cỏ, lá cây. Do vậy, để mô hình được nhân rộng bền vững, anh Hạnh mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về vốn vay ưu đãi, bồi dưỡng kỹ thuật chăn nuôi...
Theo Phạm Anh/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã