Nông dân “chán” ruộng
Trong vòng 10 năm (2004-2014), diện tích lúa mùa cả nước giảm 3,64% (tương ứng 74.100 ha). Riêng “vựa lúa” Thái Bình giảm 3.100 ha.
Khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn cho thấy, năm 2012-2013 cả nước có 42.785 hộ thuộc 25 tỉnh, thành trên cả nước bỏ 6.882 ha không canh tác, trong đó 3.407 hộ trả ruộng. Hình thức bỏ ruộng thì đa dạng, từ bỏ vụ, bỏ ruộng hoang đến trả ruộng (trả quyền sử dụng đất). Với tình hình đó, TS Phạm Duy Nghĩa khái quát, đó là biểu hiện của nguy cơ nông dân chán ruộng, chán thôn quê và dần mất ruộng.
Từ nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TS Phạm Bảo Dương (Viện chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) chỉ ra một thực tế, mức thu nhập từ lúa rất thấp, đa số các hộ nghèo ở vùng sản xuất độc canh cây lúa, thu nhập của nông dân phụ thuộc chính vào lúa không bảo đảm được cuộc sống. Thêm vào đó, tình trạng “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”, “đầu vào, đầu ra” nông sản, cộng với những khoản thu theo luật và “ngoài luật” như xảy ra ở Hà Tĩnh vừa qua khiến người nông dân không đủ sức “bám ruộng” trước nhu cầu mưu sinh.
Sâu xa hơn, theo TS Phạm Sỹ Liêm – Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân là từ hiệu quả canh tác kém và tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa. “Hiển nhiên, nguyên nhân gốc của nông dân bỏ ruộng là do làm ruộng có thu nhập quá thấp, ngoài ra còn những nguyên nhân phụ khác như đất bị thoái hóa, các khoản đóng góp quá cao, tình trạng lạm quyền, tham nhũng ở cấp cơ sở tràn lan. Thế nhưng, nếu không có cơ hội tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn thì nông dân vẫn bám ruộng. Chính công nghiệp hóa, đô thị hóa đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn làm ruộng, vì vậy hễ có cơ hội là nông dân bỏ ruộng kéo nhau ra các đô thị, khu công nghiệp để tìm việc”, TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Phải “Đi bằng hai chân”
Theo các chuyên gia, nông dân bỏ ruộng không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa trong khi nhu cầu lương thực vẫn có xu hướng tăng nhanh trước sức ép của sự gia tăng dân số.
“Bình quân đất sản xuất nông nghiệp năm 2020 chỉ là 1.040m2/người, giảm 100m2/ người. Những năm sau nữa diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên đầu người tiếp tục giảm dưới 1.000m2/người, cộng thêm với việc mất đất sản xuất do nước biển dâng, việc bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp đặc biệt là đất trồng lúa là vô cùng quan trọng để bảo đảm quỹ đất cơ bản cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn cho tương lai”, ông Vũ Năng Dũng, Hội Khoa học Đất Việt Nam bày tỏ.
Để “níu” nông dân với ruộng đồng, một loạt giải pháp đã được các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đưa ra như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp – nông thôn, xây dựng mô hình kinh doanh liên kết nông dân với doanh nghiệp, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ nông dân… “Nói chung phải “đi bằng hai chân” cả về khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất”, TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.
Nhất là, “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bù đắp thu nhập cho các hộ sản xuất lúa trong các vùng quy hoạch trồng lúa chuyên canh sẽ đóng một vai trò quan trọng”, TS.Phạm Bảo Dương lưu ý. Trong đó, quản lý thị trường vật tư nông nghiệp để giảm thiểu chi phí “đầu vào” cho người sản xuất lúa; có chính sách bảo đảm “đầu ra” ổn định để người nông dân yên tâm với đồng ruộng.
Thảo Nguyên
http://thanhtra.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã