Ngày 30/6, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ.
Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Nguyễn Văn Sửu…
Báo cáo kết quả hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sau nửa nhiệm kỳ, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Toàn thành phố có 123 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 114 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Với việc có 4 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, Hà Nội là địa phương có số huyện đạt chuẩn nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, 294/386 xã trên địa bàn thành phố cũng đã về đích nông thôn mới - con số một lần nữa đưa Hà Nội đứng ở vị trí dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 43.110 tỷ đồng, tăng 4,44% so với năm 2015; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,1%. Toàn thành phố đã tổ chức được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, 101 vùng rau an toàn quy mô từ 20ha trở lên, đồng thời xây dựng được 12 nhãn hiệu thể cho các nông sản.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 33,0 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 38,0 triệu đồng/người/năm. Tại một số địa phương, con số này cao vượt trội như Thạch Thất (52 triệu đồng), Hoài Đức (42,5 triệu đồng), Đông Anh (42 triệu đồng)… Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giảm còn dưới 2,5%. Một số địa phương, tỷ lệ nghèo còn rất thấp như: Quốc Oai (0,48%), Gia Lâm (1%), Thanh Trì (1,4%)… Trên 86% người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch đạt trên 52%... Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật của Hà Nội trong công tác xây dựng nông thôn mới. Chương trình 02-CtrTU của Hà Nội có nhiều nét đặc sắc, thể hiện rõ mục tiêu cốt lõi “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân” của Thủ đô. Hà Nội có vùng nông thôn rộng lớn, do vậy, sự quan tâm của Thành ủy đối với Chương trình là rất trúng. Ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã triển khai thực hiện rất bài bản, đặc biệt là việc thành lập Ban chỉ đạo từ cấp thành phố xuống cấp xã. Quá trình thực hiện đã xây dựng được hệ thống cơ chế chính sách rất cụ thể; các đề án dành nguồn lực tập trung cho các thiết chế hạ tầng, hỗ trợ sản xuất để các địa phương thực hiện. Đặc biệt, Hà Nội đã mạnh dạn chọn một trong những khâu khó nhất của Chương trình xây dựng nông thôn mới là dồn điền đổi thửa để thực hiện. Thành quả từ quá trình dồn ghép ruộng đất là những tiến bộ vượt bậc trong phát triển nông nghiệp của Thủ đô suốt chặng đường đã qua. Đây là cơ sở để tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mong muốn, từ nền tảng dồn điển đổi thửa, Hà Nội tiếp tục khai thác lợi thế ven đô thích ứng sản xuất nông nghiệp với từng vùng, từng khu vực để mang những nét đặc trưng. Nông nghiệp ven đô nên là nông nghiệp đặc sản, lợi thế, hướng tới, cần chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố khác. Hà Nội nên là trung tâm đầu mối, chế biến, xuất khẩu của cả nước; nông nghiệp ven đô cần phát triển được du lịch sinh thái, đặc sản, cảnh quan, môi trường, ngành nghề. Hà Nội cần thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hạt nhân làm từng phân khúc; có thể phát triển nông trại, gia trại... Hà Nội cần đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa để thu hút nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tiếp tục có đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn mới…Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích các thành phần xã hội, nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các các ban ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị và người dân Thủ đô đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương và thành phố. Nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo các xã và các huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Các huyện, xã đã đạt chuẩn duy trì nâng cao chất lượng và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp tục huy động nguồn lực cho nông thôn mới… Đồng thời, tập trung chỉ đạo các huyện đặt mục tiêu về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2018 - 2020 sớm hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu kết thúc năm 2020, Hà Nội có 12/18 huyện được công nhận đạt chuẩn.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trao 39 “Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, giai đoạn 2016-2020” cho 39 xã thuộc 12 huyện, thị xã của Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đã tặng Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội cho 5 tập thể có thành tích trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân, hộ gia đình cũng đã được tặng Bằng khen của Thành ủy và UBND TP Hà Nội./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã