Theo dự thảo, căn cứ vào nguồn gốc hình thành, rừng sản xuất được phân ra các đối tượng sau: 1- Rừng sản xuất là rừng tự nhiên gồm có: rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; căn cứ vào trữ lượng bình quân trên một hecta rừng tự nhiên được chia thành rừng giầu, rừng trung bình và rừng nghèo. 2- Rừng sản xuất là rừng trồng gồm có: rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước và rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư (vốn tự có, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) có hỗ trợ của nhà nước và các nguồn khác.
Việc tổ chức quản lý rừng sản xuất được áp dụng theo nguyên tắc sau: 1- Rừng sản xuất phải được tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững và phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. 2- Nhà nước giao, cho thuê rừng sản xuất đối với chủ rừng cụ thể. 3- Chủ rừng được công nhận quyền sử dụng rừng, được khai thác công dụng, hưởng lợi từ rừng, được cho thuê quyền sử dụng rừng; được công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư trong thời hạn được nhà nước giao hoặc cho thuê đất; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác. 4- Việc xác định các mục tiêu kinh doanh và biện pháp tác động vào rừng sản xuất phải phù hợp với đặc thù của các hệ sinh thái rừng và theo quy định của pháp luật.
Giao rừng, cho thuê rừng
Theo dự thảo, Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng rừng đối với các chủ rừng và cộng đồng dân cư thôn.
Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng trồng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng: hộ gia đình, cá nhân sở tại; tổ chức kinh tế sản xuất giống cây rừng; đơn vị vũ trang sử dụng rừng sản xuất kết hợp với quốc phòng, an ninh và Ban quản lý rừng phòng hộ trong trường hợp có rừng sản xuất xen kẽ rừng phòng hộ được giao. Bên cạnh đó, Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng trồng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước có thu tiền sử dụng rừng đối với tổ chức kinh tế.
Ngoài ra, Nhà nước cho thuê môi trường rừng tự nhiên, rừng trồng do nhà nước đầu tư đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước để kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, môi trường. Những diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức quản lý, bảo vệ rừng.
Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững
Dự thảo nêu rõ, chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đối với diện tích rừng được giao hoặc thuê, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng theo phương án quản lý rừng bền vững.
Nhà nước khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, hợp tác xã lâm nghiệp được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng tự xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững.
Rừng sản xuất đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số quản lý rừng bền vững của Việt Nam hoặc các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số quản lý rừng bền vững của các tổ chức quốc tế thì được cấp chứng chỉ về quản lý rừng bền vững của Việt Nam hoặc của các tổ chức quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo số liệu công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2014, diện tích rừng sản xuất là 7.146.837 ha (bằng 84,12 % diện tích quy hoạch rừng sản xuất năm 2008), trong đó rừng sản xuất là rừng tự nhiên là 4.153.243 ha (chiếm 58,1% diện tích rừng sản xuất hiện có) và rừng trồng là 2.993.594 ha (chiếm 41,9% diện tích rừng sản xuất hiện có). Đến năm 2014, tổng diện tích rừng đã giao: 11.424.083 ha, đạt 82,8% diện tích rừng toàn quốc (13.796.506 ha); tổng diện tích rừng chưa giao hiện đang tạm giao cho Uỷ ban nhân dân xã quản lý 2.372.423 ha, chiếm 17,2 % diện tích rừng toàn quốc. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã cho thuê là 555.782 ha, gồm: tổ chức thuê 553.299 ha, hộ gia đình và cá nhân thuê 2.483 ha. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
http://baochinhphu.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã