Sáng 26/5, tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phát động thực hiện Chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cùng đông đảo hội viên phụ nữ, nông dân ở các tỉnh/thành phía Bắc, người dân trên địa bàn TP Hà Nội tới dự.
Lễ phát động là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động thực hiện Chương trình phối hợp số 526 mà Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì nhằm thu hút sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, phát huy vai trò của hai Hội và hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo đà cho hàng loạt các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến; giám sát, phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Tại chương trình, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng thay mặt lãnh đạo hai tổ chức Hội đã kêu gọi các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, cam kết sản xuất thực phẩm an toàn vì chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi dân tộc Việt Nam.
Đại diện hội viên phụ nữ Thủ đô cũng cam kết hưởng ứng thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và mỗi người sẽ là giám sát viên đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đảm bảo an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi kiên trì, lâu dài, không chỉ là nâng cao năng lực quản lý nhà nước mà quan trọng là làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng xã hội.
Chính vì vậy, công tác truyền thông phải làm sao để mỗi người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc và đầy đủ thực phẩm an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, lâu dài hơn là ảnh hưởng đến giống nòi. Nhận thức về trách nhiệm pháp luật, nếu cá nhân, doanh nghiệp cố tình làm thực phẩm bẩn là gián tiếp hoặc trực tiếp xâm phạm đến sức khoẻ người khác.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm thì đạo đức là quan trọng nhất. Mỗi cá nhân, đơn vị sản xuất, doanh nghiệp không thể nào vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn làm hại người khác.
“Bây giờ chúng ta có nhiều phong trào thi đua như làng văn hoá, gia đình văn hoá, xây dựng nông thôn mới... Nhất định việc đảm bảo an toàn thực phẩm phải là tiêu chí thi đua hàng đầu, không thể có tình trạng gia đình văn hoá mà lại đi làm thực phẩm bẩn, trồng rau hai luống, lợn hai chuồng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý, ngoài trách nhiệm sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mỗi hội viên Hội Nông dân, Phụ nữ cần tích cực giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn bằng cách truy xuất nguồn gốc, cách thử nghiệm, chứng minh trong thực tế để người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng thực phẩm sạch.
Ngay sau lễ phát động, Hội chợ trưng bày, giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn của hội viên Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã chính thức khai mạc với 50 gian hàng trưng bày nông sản an toàn do chính các hội viên sản xuất.
Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong cả nước đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm như: Cuộc vận động “Phụ nữ cả nước tích cực thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, ký cam kết và xây dựng mô hình phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm; đưa nội dung an toàn thực phẩm vào tiêu chí “3 sạch” của Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không”, “3 sạch”; tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại giới thiệu và quảng bá sản phẩm an toàn của hội viên phụ nữ, nhân rộng các mô hình về thực hiện an toàn thực phẩm như “Chi hội phụ nữ trồng rau sạch”, “Góc bếp an toàn”, “Rau an toàn – Rau sạch tại nhà”, “Quầy hàng an toàn”...
Hội Nông dân Việt Nam cũng đã thành lập được gần 100 nghìn tổ hợp tác xã, 1.029 hợp tác xã kiểu mới và xây dựng 8.165 dự án với số tiền gần 40 nghìn tỷ đồng trong đó, vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.500 tỷ đồng dành cho Quỹ Hỗ trợ nông dân để sản xuất rau, rau hữu cơ, chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất theo chuỗi giá trị; câu lạc bộ “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi”... Những dự án này đều cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm an toàn.
Tác giả bài viết: Theo Minh Châu/dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã