Học tập đạo đức HCM

Phát huy lợi thế vùng ven biển miền trung (Kỳ 1)

Thứ năm - 26/10/2017 03:37
Dải đất ven biển miền trung xưa nay vốn là vùng quê nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt dù người dân chịu thương chịu khó, hay lam hay làm. Nông nghiệp là chính yếu, nhưng hạt lúa, củ khoai, cá tôm đều trông cả vào trời đất. Qua công cuộc đổi mới, nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng đất dần được đánh thức.

Các địa phương vùng ven biển miền trung (Trung Bộ và Nam Trung Bộ) đang nỗ lực, năng động, phát huy lợi thế, liên kết, cùng vượt qua thách thức để vươn lên trong phát triển kinh tế.

Bài 1 : Những bước đi mở hướng

Vùng đất ven biển Trung Bộ và Nam Trung Bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận là địa bàn trọng yếu trong thực hiện chiến lược kinh tế biển của nước ta. Nhiều người nói nửa đùa nửa thật, các tỉnh, thành phố tại đây đang ở thế rất mạnh, nhưng là... mạnh ai nấy làm! Đã đến lúc, các địa phương phải có sự phối hợp, liên kết trong tiến trình phát triển chung cả khu vực.

Tiềm năng, thách thức

Vùng ven biển miền trung gồm chín tỉnh, thành phố, diện tích hơn 49.400 km2, dân số 10,2 triệu người, chiếm 14,9% diện tích và 11,36% dân số cả nước. Vùng đất này có ý nghĩa chiến lược trong giao lưu kinh tế bắc - nam và đông - tây. Không chỉ thuận lợi về đường bộ, đường sắt và đường hàng không, các địa phương trong khu vực còn có các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vân Phong,... kết nối tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia, đông bắc Thái-lan và Mi-an-ma. Kinh tế toàn vùng đang phát triển với tốc độ khá cao. Mặc dù phải hứng chịu nhiều thiên tai, năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn của vùng đạt 465,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% cả nước.

Hầu hết các địa phương đều có tốc độ tăng trưởng hơn 8,4%/năm giai đoạn 2011-2016, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước (5,9%/năm). Cơ sở hạ tầng của các địa phương đã được đầu tư khá bài bản, với sáu sân bay được nâng cấp mở rộng (hai sân bay quốc tế); 13 cảng biển (bảy cảng biển loại I), 14 tuyến quốc lộ phân bổ đều khắp, đường sắt bắc - nam,... nối liền các đô thị, khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trong vùng. Nhiều KCN được xây dựng và đi vào hoạt động, hiện có sáu KKT và 54 KCN, bao gồm cả KCN trong các KKT, tổng diện tích hơn 19.500 ha. Trong đó có 32 KCN đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy 41,37% (hơn 2.800 ha).

Trong toàn vùng có bốn di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, gồm quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và nhiều vịnh, đảo, các khu bảo tồn thiên nhiên, bãi tắm đẹp,... Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch. Bên cạnh đó, một chuỗi đô thị ven biển đang hình thành như Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết,... là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng các mối liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng, nhất là du lịch.

Giàu tiềm năng là vậy, nhưng thực tế tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn chỉ chiếm 13,25%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chiếm 3,69% so với cả nước. Đây là những con số rất đáng suy nghĩ, bởi, những giá trị này hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Diện tích trải rộng, địa hình phức tạp đòi hỏi Nhà nước phải có chương trình đầu tư chiến lược, trọng điểm; nguồn vốn đầu tư phát triển lớn vào các điểm nhấn trong phát triển của vùng.

Tính đến nay, trong vùng chỉ có một số đô thị phát triển như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang,... nhưng chủ yếu vẫn là các đô thị dịch vụ và thương mại, trong khi công nghiệp phát triển chưa đều, mức tăng trưởng chưa cao, sức hút thấp đối với các dòng hàng hóa và lao động từ các khu vực khác trong vùng và ngoài vùng; vắng bóng các sản phẩm chủ lực, thương hiệu đặc trưng của vùng. Bên cạnh đó, với xuất phát điểm từ nền nông nghiệp lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực vì thế khá hạn chế, chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo hoặc tay nghề thấp. Ngoài ra, nói tới vùng ven biển miền trung, không thể không nhắc tới tình trạng thiên tai luôn đe dọa. Bão, lũ, tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của vùng.

Nhu cầu liên kết

Thời gian gần đây, các địa phương trong khu vực đã rất nỗ lực, năng động, làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, do còn nặng tư duy phát triển kinh tế đơn lẻ, thiếu liên kết trong phát triển cho nên nguồn lực bị phân tán, chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng và luôn phải đối mặt với những bất cập về mô hình phát triển, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Phần lớn các địa phương đều có chiều hướng phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình. Mặt khác, các ngành kinh tế chủ lực của từng tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá trùng lặp. Điều này vừa khiến vốn đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp vừa tạo thế cạnh tranh đối đầu, triệt tiêu lẫn nhau.

Nếu thực hiện liên kết, có quy hoạch tốt, từng địa phương sẽ phát huy được lợi thế đặc thù, tránh được tình trạng mỗi tỉnh đều có một nhà máy đường, một nhà máy bia như trước đây. Mặt khác, nếu liên kết tốt sẽ hướng tới thống nhất chính sách ưu đãi trong cả vùng, bởi vì hiện mỗi địa phương đều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng cơ chế, chính sách ưu đãi của riêng mình.

Mới đây, tại lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Hải Vân quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung khẳng định: Việc đầu tiên để bảo tồn di sản chung này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng đã phối hợp và giao cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Ban quản lý di tích Đà Nẵng bàn bạc, thống nhất một số dự án để phát huy di tích Hải Vân quan. Đây có thể coi là thí dụ rõ nét, cho thấy các địa phương trong khu vực đang từng bước cùng nhìn lại tiềm năng, lợi thế về văn hóa, biến các giá trị văn hóa, di sản thành nguồn lực phát triển du lịch, mang lại hiệu quả chung.

Đã đến lúc, các địa phương không thể làm du lịch một cách đơn điệu để rồi “lạc nhịp” trong bản hòa tấu phát triển chung. Gần đây, Quảng Nam, TP Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã ký hợp tác phát triển du lịch với mục tiêu “ba địa phương, một điểm đến”, phát huy cao nhất giá trị văn hóa di sản, đánh thức giá trị của các di sản văn hóa thế giới trong khu vực, tạo động lực phát triển du lịch. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, trong chiến lược phát triển, Quảng Nam xác định phát triển kinh tế theo hướng liên kết vùng nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao. Chẳng hạn, để phát triển khu vực Chu Lai - Dung Quất trở thành trung tâm công nghệ - cảng biển - logistics - đô thị biển của vùng.

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã làm việc, thống nhất về quy hoạch mạng lưới giao thông, cảng biển nhằm phát triển hai KKT này trong tổng thể, không bị chia cắt bởi hành chính địa phương. Tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư mở rộng và hoàn thiện hạ tầng giao thông liên kết trong vùng, thông tuyến đường ven biển 129 từ TP Đà Nẵng đến Quảng Ngãi; nối thông đến quốc lộ 1 nhằm bảo đảm thời gian ngắn nhất đi sân bay và cảng Đà Nẵng ở phía bắc; cảng Kỳ Hà, cảng Trường Hải và sân bay Chu Lai ở phía nam.

Từ việc mở rộng, kết nối mạng lưới giao thông trong vùng, Quảng Nam hướng đến phát triển chuỗi logistics nhằm gắn kết các khâu sản xuất, lưu thông, giao nhận, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và với khu vực tiểu vùng sông Mê Công thông qua hành lang kinh tế đông - tây,...

Tháng 8-2012, tỉnh Bình Thuận chủ động tham gia liên kết phát triển vùng ven biển miền trung trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển. Việc Bình Thuận tham gia liên kết phát triển vùng duyên hải miền trung hoàn toàn phù hợp quan điểm phát triển trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Còn chủ trương của Tỉnh ủy Phú Yên về quy hoạch không gian đô thị, hướng phát triển mang tính đột phá là đầu tư phát triển KKT Nam Phú Yên gắn với KKT Vân Phong (Khánh Hòa) theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Tại đây, Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sẽ trở thành động lực thu hút đầu tư, lấp đầy các khu chức năng trong KKT. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà cho rằng, để thu hẹp khoảng cách về kinh tế giữa Phú Yên với các tỉnh khác trong vùng, xây dựng nơi đây thành cửa ngõ mới ra hướng đông cho vùng Tây Nguyên thì tỉnh cần phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước.

Một điểm chung rất dễ nhận thấy ở các tỉnh trong vùng đó là ưu thế về kinh tế biển. Với nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú, nhiều tiềm năng về biển, đảo cho phép phát triển năm lĩnh vực chính gồm đánh bắt xa bờ; khai thác tài nguyên khoáng sản; cảng biển và dịch vụ hàng hải; KKT, KCN gắn liền lợi thế cảng biển và du lịch biển, đảo. Tuy nhiên, cũng do đặc thù địa hình trải dài hẹp từ bắc xuống nam, mỗi tỉnh chỉ giáp hai tỉnh lân cận, việc kết nối giao thông tạo thế liên kết phát triển vùng gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở phát huy các tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, cũng như ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước mắt, các tỉnh trong vùng có thể tập trung liên kết trên một số lĩnh vực có tính khả thi cao, gồm: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch.

Lãnh đạo các địa phương trong vùng đã nhận thức được tính tất yếu phải hợp tác, liên kết phát triển ở quy mô vùng và đã tự hình thành cơ chế hợp tác song song với cơ chế vùng do Chính phủ thành lập. Do đó, thực tế đang đòi hỏi phải có một cơ chế chung về liên kết hợp tác phát triển vùng dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của T.Ư về nguồn lực và cơ chế ưu đãi đầu tư để toàn vùng thật sự trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.

(Còn nữa)

http://www.nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập465
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại800,810
  • Tổng lượt truy cập90,864,203
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây